Trung tâm Phục vụ hành chính công (TT PVHCC) của tỉnh Long An chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17-10-2016. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và bằng sự phục vụ tận tâm, sau 2 năm đi vào hoạt động, trung tâm đã tạo được niềm tin cho “khách hàng”, qua đó chứng tỏ được nơi này là đầu mối “một cửa” rất hiệu quả, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại so với trước đây. Nhất là cùng lúc, “khách hàng” có thể thực hiện giao dịch nhiều TTHC với nhiều cơ quan nhà nước, biết được hồ sơ của mình đang ở đâu, khi nào xong…, thông qua tin nhắn SMS của trung tâm. Có thể nói, TT PVHCC tỉnh Long An được thành lập đã tạo bước đột phá trong cải cách TTHC của tỉnh, góp phần kéo giảm hồ sơ tồn đọng, quá hạn đến mức thấp nhất.
Hiện nay, ngoài TT PVHCC của tỉnh, các huyện trong tỉnh cũng thành lập trung tâm hành chính công (TTHCC) cấp huyện, mang lại hiệu quả, góp phần tạo bước đột phá trong cải cách TTHC chung của tỉnh Long An. Toàn tỉnh hiện có 15 TTHCC cấp huyện kết nối với TT PVHCC tỉnh. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2018, các TTHCC cấp huyện đã tiếp nhận và giải quyết hơn 34.000 hồ sơ, trong đó giải quyết trước hạn 7.500 hồ sơ. Trong số này, TTHCC thị xã Kiến Tường là TTHCC cấp huyện đầu tiên tại khu vực Đồng Tháp Mười. Từ khi được thành lập, trung bình mỗi ngày trung tâm này tiếp nhận khoảng hơn 100 lượt khách đến giải quyết và tư vấn về các TTHC.
Còn tại huyện Cần Giuộc, khi TTHCC của huyện này được thành lập và đi vào hoạt động cho đến nay, đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, đối với hồ sơ có phiếu hẹn, phần mềm tự động cập nhật và thông báo kết quả giải quyết thông qua dịch vụ gửi tin nhắn SMS, thư điện tử cũng góp phần làm hài lòng khách hàng đến giao dịch.
Có thể nói, từ khi có TT PVHCC của tỉnh Long An, rồi TTHCC cấp huyện đã đơn giản hóa TTHC, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chỉ số PCI, PAPI của tỉnh. Theo tìm hiểu, năm 2017, chỉ số PAPI của Long An đạt 38,3/60 điểm, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành và được xếp vào nhóm I của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2016. Chỉ số PCI của tỉnh cũng đứng hàng thứ 4 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Tốt với 66,7/100 điểm, tăng 11 bậc so với năm 2016.
Theo ông Võ Minh Thành, Giám đốc TT PVHCC tỉnh Long An: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả giải quyết TTHC và bảo đảm tính minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của TT PVHCC tỉnh, TTHCC cấp huyện, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn đội ngũ cán bộ, công chức, còn thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt việc niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng mức thu phí, lệ phí, thời gian giải quyết TTHC, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan tại trung tâm. Phấn đấu đến năm 2020, TT PVHCC tỉnh và 100% TTHCC cấp huyện trên địa bàn tỉnh sẽ áp dụng mô hình “một cửa điện tử”, 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử... để góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giảm thiểu phiền hà.