Đốt nương rẫy, dọn thực bì là nguyên nhân chính các vụ cháy rừng

Nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên diện rộng tại tỉnh Quảng Ngãi làm tăng nguy cơ cháy rừng. Do đó, chủ rừng và người dân cùng với lực lượng chức năng phối hợp thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 332.889ha, trong đó diện tích có rừng là 264.907ha. Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương trong tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác PCCCR xác định, toàn tỉnh có gần 159.000ha rừng có nguy cơ cháy cao, trong đó, rừng tự nhiên hơn 1.246ha và rừng trồng trên 158.000ha.

Từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng thiệt hại hơn 10ha rừng. Trong năm 2023, đã xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, với tổng diện tích thiệt hại 6,8 ha. Lũy kế 5 năm trở lại đây có khoảng 136 vụ cháy rừng xảy ra gây thiệt hại trên 325ha rừng các loại, chủ yếu là rừng trồng.

Tình hình nắng nóng kéo dài diễn ra trên diện rộng, cùng với sự bất cẩn của người dân trong việc đốt nương làm rẫy, đốt dọn thực bì, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng... là những nguyên nhân chính của các vụ cháy rừng.

diễn tập cháy rừng
Buổi diễn tập ứng phó tình huống cháy rừng quy mô lớn, nguy cơ lan nhanh trên diện rộng năm 2024

Tại buổi diễn tập ứng phó với tình huống cháy rừng quy mô lớn, nguy cơ lan nhanh trên diện rộng năm 2024, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, ngay từ đầu mùa khô năm nay, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo chủ động triển khai công tác PCCCR đến các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xác định công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Ông Hiền yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát PCCCR từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong suốt thời kỳ cao điểm về cháy rừng.

Rà soát, xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng (bộ đội, công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ...) trong công tác PCCCR. Đối với các vụ cháy rừng xảy ra gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, cần điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm giáo dục, phòng ngừa và răn đe.

Tin cùng chuyên mục