Anh K., một thổ địa đứng trên núi Chư Đăng Ya (một cảnh quan thu hút khách du lịch tại xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) rồi chỉ tay qua ngọn núi toàn đá nằm bên cạnh nói: “Phía sau ngọn núi đá cao ấy là những quả núi tươi tốt, nhiều cây rừng quý hiếm nhưng đang bị lâm tặc tàn sát. Núi tuy cao nhưng người ta đã san ủi, mở con đường đất lên đó nên đi được hết".
Đúng như anh K. nói, có một con đường đất xuyên lên quả núi đá. Theo như dấu vết để lại, để làm con đường này, phải huy động xe lớn để nạo vét, san ủi. Có đoạn đường khoét sâu quá đầu người. Vượt qua ngọn núi đá là đến cửa rừng. Tại bãi cỏ đầu tiên, vốn là bãi tập kết, có ít nhất 9 lóng gỗ, chiều dài khoảng từ 5-7m, đường kính khoảng nửa mét đã được cất dấu trong các lùm cỏ hoặc bụi tre.
Từ đây đi tiếp sâu vào trong, nhiều tuyến đường hằn in dấu bánh xe máy cày lớn lồ lộ hiện ra. Đi vào các đường này, gỗ đã bị đốn hạ khắp nơi và nằm ngổn ngang. Có gỗ cũ bị khai thác đã lâu lẫn gỗ mới bị “xẻ thịt”, lóng còn ứa nhựa, chứng tỏ gỗ bị khai thác trong thời gian dài. Những lóng gỗ cắt xong chưa chở đi thì tập kết ven đường hoặc để cạnh gốc bị chặt. Những gốc cây gỗ quý bị đốn hạ đã lâu, nay lâm tặc tận dụng khoét gốc lấy phần thịt. Thiết bị định vị của điện thoại báo vị trí phá rừng nằm ở 2 xã Chư Đăng Ya và Đắk Tơ Ver (huyện Chư Pah).
Một người đi đường tiết lộ, nếu đi xuyên qua nhiều quả núi sẽ lên được tỉnh Kon Tum. Càng vào sâu thì sẽ thấy nhiều gỗ mới bị đốn hạ. Nhưng vào sâu rất khó vì nơi đó có đồi dốc cao hút, lại có lực lượng cảnh giới canh giữ nghiêm ngặt.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được: