Trình bày Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, việc thực hiện chính sách này trong thời gian qua đã góp phần đạt được nhiều mục tiêu quan trọng. Thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết vì nhiều lý do.
Trước hết, chính sách này nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới…
Người đứng đầu ngành Tài chính cũng khẳng định, chính sách này hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN với nội dung kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/NQ12 ngày 24-11-2010 về miễn, giảm thuế SDĐNN và Nghị quyết số 28/2016/NQ14 ngày 11-11-2016 của Quốc hội (về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12) đến hết ngày 31-12-2025.
Sau thời điểm 31-12-2025, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo tính khả thi.
Vẫn theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước, do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đều thống nhất với đề xuất miễn thuế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có cùng quan điểm đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình SDĐNN hiện nay, đặc biệt là việc có một diện tích lớn đất nông nghiệp không được sử dụng vào việc canh tác.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn: “Tiếp xúc cử tri Thái Bình, tôi thấy huyện nào cũng kêu về tình trạng bỏ đất nông nghiệp vì rất nhiều lý do. Sau khi thực hiện chương trình nông thôn mới, thực trạng sử dụng 3,8 triệu ha đất nông nghiệp như thế nào?".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ và lưu ý khi đề xuất chính sách phải thực hiện phải lấy ý kiến Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, những người nông dân trực tiếp chịu tác động của chính sách chứ không chỉ lấy ý kiến của cơ quan thuế. Thời gian tới, Chính phủ cần tổng kết đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách này suốt 20 năm qua để tiến tới sửa Luật Thuế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, miễn thuế SDĐNN không phải là nguyên nhân dẫn đến bỏ đất hoang. Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế nước ta trong những thời điểm khó khăn nhất, do đó cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.