Về chợ Rừng, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh, nghe người ta đồn đại rằng ông Lê Văn Phú là chủ nhân của một kho đồ cổ quý giá, trong đó có một đồng xu trị giá ít nhất là... 1 triệu USD, chúng tôi đã thấy vã mồ hôi hột. Ấy thế mà khi tiếp xúc với chủ nhân của đồng xu ấy, ông còn bồi thêm cho chúng tôi một “đòn chí mạng”: “1 triệu USD ăn thua gì, đồng xu ấy của tôi trị giá tới... 15 triệu USD cơ”!...
Đồng xu nhỏ chứa bao điều kỳ bí
Ông Phú cẩn trọng mở hai lớp khóa tủ lấy ra một đồng tiền cổ rồi vừa hể hả khoe vừa say mê cùng chúng tôi vén bức màn bí mật quanh thứ mà ông xem là báu vật ấy. Chúng tôi mân mê và ngắm rất kỹ đồng xu ấy. Nó được đúc bằng đồng, đã sỉn màu, đường kính khoảng 2cm, rất mỏng và nhẹ.
Một mặt in nổi hình ông Ulysses S.Grant – Tổng thống thứ 18 (nhiệm kỳ từ 1869-1877) của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Mặt bên kia đúc danh hiệu Mỹ ở đường viền vành, giữa có nội dung: “Trung úy trong cuộc chiến tranh với Mexico, thăng chức từ đại úy lên Tổng chỉ huy lực lượng liên minh (và đeo quân hàm Thiếu tướng - T.G), nổi bật trong cuộc nội chiến, người trầm lặng của Appomattox”; dưới cùng là dòng chữ: “Chấp nhận vô điều kiện”. Đồng tiền không có mệnh giá.
Về cơ duyên với đồng tiền cổ này, ông Phú cho chúng tôi biết: Trước đây, ông bà ngoại của ông là những thương gia nổi tiếng ở thị xã Quảng Yên, thuộc khu Hồng Quảng, Quảng Ninh. Giàu sang và lại đam mê cổ ngoạn nên các cụ đã sưu tầm được rất nhiều cổ vật quý giá.
Hiềm một nỗi là ngày ấy, chuyện mua bán đồ cổ bị cấm kỵ, toàn bộ hoạt động sưu tầm, trao đổi của những người chơi đều thực hiện một cách thậm thụt vì sợ vướng vào vòng lao lý. Vì vậy dễ hiểu tại sao chưa bao giờ các cụ tiết lộ cho ai biết những bộ sưu tập đồ cổ của mình.
Mãi đến khi sắp về chầu tiên tổ, các cụ mới cho gọi ông Phú lên và quyết định cho ông thừa kế gia tài cổ vật quý giá ấy. Tiếc rằng lúc đó, hai cụ đều đã sức tàn lực kiệt và lẫn nhiều nên ông Phú không thể tìm hiểu được những chuyện xung quanh bộ sưu tập cổ vật và đồng tiền xu độc đáo kia.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong lịch sử tiền tệ của nước Mỹ, chỉ có 4 vị tổng thống được vinh dự in chân dung lên những đồng USD phổ biến là: George Washington, Andrew Jackson, Abraham Lincoln và Ulysses S.Grant. Ngoài ra còn có 4 vị tổng thống được in chân dung lên các đồng tiền có mệnh giá cao như 5.000 USD, 1.000 USD… nhưng ít được phổ biến là: James Madison, Grover Cleveland, William McKinley và Woodrow Wilson.
Riêng với loại tiền xu, những vị tổng thống được in hình là: Abraham Lincoln (1 cent), Thomas Jefferson (5 cent), Franklin Roosevelt (10 cent), George Washington (25 cent) và John F.Kennedy (50 cent). Ngoài ra, đồng xu 5 cent thì không in hình tổng thống nào mà in hình ảnh di sản kiến trúc cổ Monticello, công trình được xây dựng theo bản vẽ của Tổng thống Thomas Jefferson. Chính vì thế nên theo suy luận của chúng tôi, đồng tiền cổ mà ông Phú sở hữu có thể là một loại kỷ niệm chương danh dự về chiến tranh, một loại tiền xu do nước Mỹ phát hành rất ít nên vô cùng quý hiếm.
Bước đầu tiên trong việc hành xử với đồng tiền xu mà mình xem như báu vật là ông Phú thảo lá đơn (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) đề nghị chính quyền địa phương xác nhận mình là chủ sở hữu của báu vật đó. Đơn có đoạn: “… Tôi tên là Lê Văn Phú, sinh ngày 9-7-1953, nơi thường trú: đường 10, thị trấn Yên Giang, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh (…), làm đơn này đề nghị quý Ủy ban giúp đỡ một việc như sau:
…Từ thời Pháp thuộc, ông bà nội của tôi là Lê Văn Thơ và Phạm Thị Đức đã là những thương gia, có cơ sở sản xuất bánh kẹo bán buôn và bán lẻ tại các số nhà 73, 85, 87, 91, 93 và kinh doanh bách hóa tại thị xã Quảng Yên, thuộc khu Hồng Quảng, nay là phố Lê Lợi, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh. (…) Năm 1989, các cụ tôi đã mất và đã được an táng tại nghĩa trang Chùa Bằng, Yên Hưng, Quảng Ninh.
Trước khi mất, các cụ tôi có cho tôi một số đồng xu đồng, trinh căng, bạc hào, bạc xòe để làm kỷ niệm, trong đó có một đồng xu bằng đồng, mặt trước mang hình ông Ulysses S.Grant, Tổng thống Hoa Kỳ đời thứ 18 (nhiệm kỳ 1869-1877). (…) Vậy tôi làm đơn này đề nghị quý Ủy ban chứng nhận cho những lời tôi kể trên. Nếu có gì không đúng, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. (Lá đơn đề nghị trên được UBND xã Yên Giang xác nhận và được Phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Ninh chứng thực).
Xong công đoạn chứng nhận quyền sở hữu, ông Phú bắt tay vào một việc kỳ khu và trần ai: xác định giá trị của đồng tiền cổ. Cuối năm 1996, qua Tạp chí Tem Việt Nam, tình cờ ông Phú có được địa chỉ của một nhà sưu tập tem ở Mỹ, như bắt được vàng, ông đánh bạo viết một bức thư (kèm ảnh chụp 2 mặt của đồng tiền) gửi một nhà sưu tập và nhờ ông này giúp tìm hiểu nội dung và giá trị của đồng tiền mà mình sở hữu.
Thật bất ngờ, đúng một tháng sau, ông Phú nhận được thư hồi âm của ông Ah Shaw ở 91 đường Baxter, Williams Town, Massachusetts, 01267, USA. Trong thư, ông Ah Shaw cung cấp cho ông Phú một tư liệu rằng: “Cuộc chiến tranh Mexico (1846-1848): Đó là cuộc xung đột giữa Mexico và Mỹ. Mexico phải cầu hòa… Với Hiệp ước Guadelope Hidalgo, Mexico muốn phần đất Texas phía Bắc sông Rio Gamde và nhượng Nam Mexico và California cho Mỹ với số tiền 15 triệu USD. Việc sửa đổi biên giới giữa hai nước được hoàn tất bằng Hiệp định mua Garden vào năm 1853…”.
Theo lập luận của nhà nghiên cứu này, đồng xu mà ông Phú sở hữu chính là vật tín chấp mà Mỹ trả cho Mexico để đổi lấy phần đất phía Nam Mexico và California, thế nên nó trị giá… 15 triệu USD. Ông bạn người Mỹ cũng hứa với ông Phú sẽ dành thời gian để tìm hiểu và cung cấp ngay khi có thêm thông tin về đồng tiền mà ông Phú đang sở hữu.
Được biết, vào những năm 1860-1870, Chính phủ Mỹ đã phải vay khá nhiều tiền để trang trải chi phí cho các cuộc nội chiến. Các ông chủ ngân hàng lo ngại mức dự trữ vàng trong kho bị hao hụt nhiều. Họ rất lo sợ nếu miền Nam giành chiến thắng thì phần vay có thể bị mất trắng. Vì thế, để đối phó với sự suy thoái, Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ hồi đó là ông Salomon Chase đã phải cho phát hành thêm nhiều tiền giấy và tiền kim loại hòng đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi chế độ “kim bản vị” (được bảo đảm bằng vàng). Phải chăng, đồng tiền cổ mà ông Phú đang sở hữu chính là một trong những bảo chứng thanh toán của nước Mỹ thời ấy?
Trong tay chúng tôi cũng có thêm một căn cứ nữa về sự xuất hiện của đồng xu bí ẩn kiểu này. Ấy là, năm 1861, Sở Đúc tiền New Orleans bị kiểm soát bởi các bang ly khai với Hoa Kỳ để gây cuộc nội chiến Bắc – Nam vào những năm 60 của thế kỷ XIX nhưng không có dự trữ các loại kim loại quý. Phe kiểm soát miền Nam liền cho đúc một số tiền xu để chu cấp cho cuộc nội chiến. Có rất ít tiền xu được Liên minh ly khai bí mật đúc trong thời gian này. Và chúng chỉ được công chúng biết đến khi bất ngờ xuất hiện trong một vài bộ sưu tập cá nhân ít ỏi khi cuộc nội chiến kết thúc.
Ông Phú cũng cung cấp cho chúng tôi thêm một thông tin độc đáo nữa xung quanh đồng tiền cổ của mình. Đầu tháng 3-2004, ông Phú đọc được thông tin trên báo chí như sau: “Đồng USD bằng bạc cực hiếm và là đồng xu nổi tiếng nhất bị trộm, vừa được tìm thấy trong một cái hộp đựng nhiều đồng xu. Người ta phát hiện một quản thủ thư viện ở bang Maine, được một người bạn giao làm “vật tín chấp” để vay tiền. Trong lịch sử tiền tệ Mỹ, chỉ có hai đồng USD bằng bạc in năm 1866 là không có dòng chữ “In God We Trust”.
Đồng xu này trị giá ít nhất 1 triệu USD, nổi tiếng nhờ liên quan đến một vụ cướp có vũ trang trong nhà một gia đình nổi tiếng ở Florida năm 1967". Cạnh mẩu tin trên, tờ báo đó còn in hình đồng xu làm bằng chứng. Chính điều này đã khiến ông Phú càng tin rằng đồng tiền của mình là báu vật và trị giá ít nhất là 1 triệu USD…
Giật gấu vá vai chơi cổ ngoạn
Với cổ vật, dường như ông Phú có duyên tiền định. Chả thế mà ngay từ lúc tóc còn để chỏm, cậu bé Phú đã thích nhặt nhạnh, tha lôi những đồng xu thủng lỗ, hay cái bát gốm mẻ, cái bình vôi sứt v.v. mà người ta vứt lăn lóc ở bờ rào bờ giậu, bãi biển, gò cao… để về xếp cẩn thận trong góc nhà rồi cứ rảnh rang là lại lau chùi, cọ rửa và nâng niu những thứ phế thải ấy như quý vật.
Lớn lên, được đi đó đi đây nên cũng biết nhiều, mò được quyển sách, tờ báo nào nói về đồ cổ thì Phú ngấu nghiến cho bằng hết; dày công tích cóp kiến thức để nuôi dưỡng niềm đam mê nên dần dà kiến thức của Phú về cổ vật khiến nhiều người phải nể vì. 20 tuổi, Phú đã nổi tiếng là người chỉ trỏ mát tay cho giới buôn bán đồ cổ trong vùng.
“Mỗi lần được ngồi sau xe Honda 67 của những lái buôn đi săn hàng, tôi thấy hạnh phúc chả kém gì Phạm Tuân bay vào vũ trụ. Mỗi lần chỉ trỏ thành công, người bán, kẻ mua lại hào phóng bo cho dăm ba đồng lẻ. Ngày đấy, thế là tôi thấy oai lắm rồi” – ông Phú tâm sự. Theo nghiệp “chỉ trỏ” chừng 5 năm, tích lũy được vô khối mánh lới bán mua, Phú tự tin làm chủ mình trong nghề chơi kỳ khu và mạo hiểm này.
Khởi nghiệp từ việc bỏ 10 đồng mua một bức tranh sứ vì thấy nó tuy cũ nhưng đường nét, màu sắc rất tinh xảo, cuốn hút. Có người khách ở Hải Phòng đến trả giá gấp ba lần, thế là ông Phú bán. Vì sao đồ cũ lại có giá trị đến như vậy? Bắt đầu từ niềm trăn trở ấy, ông Phú dấn thân vào nghề và trở thành một ông trùm cổ vật.
Lắm đam mê mà cuộc sống gia đình lại chẳng dư giả gì, hầu hết trông vào lợi nhuận từ sạp vải ở chợ Rừng của vợ nên ông Phú đành chơi đồ cổ theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Món thì vay nóng tiền của bạn bè để sở hữu rồi chờ được giá lại bán để trả nợ và có tiền tái đầu tư.
Rồi để sở hữu món quý nhiều thì phải cho dăm ba món quý ít đội nón ra đi v.v.. Giật gấu vá vai như thế mà ông Phú cũng có được cả một gia tài hàng ngàn cổ vật đủ loại: tem, tiền cổ (ngoài đồng tiền kể trên, ông Phú còn có đồng bảng Anh sản xuất năm 1901, đồng xu đúc bằng đồng này đã lên màu đen bóng, một mặt in hình nữ hoàng Victoria, một mặt in bốn chữ Trung Quốc “Nhất Hương Sơn Cảng”);
Đồng hồ (quý nhất là 2 chiếc đồng hồ quả quýt hiệu Dollar vỏ bằng đồng bạch, có những thông tin khá lạ ghi bằng tiếng Pháp. Mặt trước in tên hiệu Dollar; trong nắp đậy máy, dưới tên hiệu Dollar có dòng “Kháng từ trường”, tiếp đó là dòng chữ “bảo đảm có thể hoán đổi”, cuối cùng là dòng chữ “Hai giải thưởng lớn”, sản xuất từ năm 1914); mô hình tháp Eiffel – biểu tượng của nước Pháp – bằng kim loại quý… Ông Phú tâm sự: “Mỗi hiện vật ẩn chứa cả một pho tư liệu về văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, mỗi thời đại nên tôi nguyện dành trọn tâm huyết để sưu tầm, giải mã chúng”.
Ước nguyện lớn nhất của ông là xây dựng một bảo tàng tư nhân để trưng bày kho báu cổ vật và chia sẻ niềm đam mê cổ ngoạn của mình với đông đảo mọi người.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG