Động viên nhân dân phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo

Hơn 27.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước thông qua tiếp xúc cử tri trong 5 năm qua đã được trình tại các kỳ họp Quốc hội, đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các đại biểu dự đại hội: QUANG PHÚC
Các đại biểu dự đại hội: QUANG PHÚC

Ngày 18-10, phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, từ năm 2020 đến nay, dù bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, củng cố nền tảng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo.

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2024 đạt 5,7%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực, được đánh giá là “điểm sáng” của kinh tế toàn cầu; trong năm 2024, nền kinh tế phục hồi rõ nét, tốc độ tăng trưởng phấn đấu đạt và vượt 7%. Quy mô kinh tế từ 346 tỷ USD năm 2020, xếp thứ 37 thế giới, tăng lên 433 tỷ USD năm 2023, xếp thứ 34 thế giới; GDP bình quân đầu người tăng 1,3 lần, từ 3.552 USD lên khoảng 4.647 USD năm 2024.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long. Ảnh: QUANG PHÚC

Kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, đã đưa vào khai thác hơn 2.021 km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới; Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị hằng năm dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra. Chính trị ổn định, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Đạt được những kết quả quan trọng trên là nhờ sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, MTTQ Việt Nam và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp và ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Toàn cảnh đại hội 18-10.jpg
Toàn cảnh đại hội 18-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2024 và năm 2025 là rất nặng nề để phấn đấu thực hiện mục tiêu Chiến lược đề ra: đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm thực hiện đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, trong đó có việc tăng cường phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội.

Thời gian tới, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong phối hợp công tác, thực hiện Quy chế phối hợp; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, đồng thuận của nhân dân và Người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Hai bên sẽ phối hợp động viên nhân dân phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo. Chính phủ phối hợp, tạo mọi điều kiện cần thiết để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức vận động, tập hợp nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực tham gia các hoạt động của MTTQ Việt Nam; tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng tại đại hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu về công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đẩy mạnh phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật được coi là điểm nhấn trong hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan.

Hai bên cũng chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội; tích cực phối hợp tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri. Hơn 27.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước thông qua tiếp xúc cử tri trong 5 năm qua đã được hai cơ quan phối hợp tổng hợp, trình tại các kỳ họp Quốc hội, đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy vậy, trong công tác phối hợp giữa Quốc hội và mặt trận vẫn còn một số hạn chế như chưa có phương pháp tối ưu để thu hút đông đảo cử tri tham gia hoạt động tiếp xúc cử tri; việc phối hợp nghiên cứu, sửa đổi quy định liên quan đến công tác tiếp xúc cử tri còn chậm; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri còn hạn chế…

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy cao độ vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các hội đồng tư vấn của mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật với tinh thần “từ sớm, từ xa”; xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới để mở đường cho phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ trách nhiệm, đổi mới phương thức quản lý, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”.

Tin cùng chuyên mục