Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 24-9, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thường trực cơ quan thẩm tra nhận định, dự án luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.
Tuy nhiên, bà Thúy Anh nêu rõ, báo cáo tổng kết thi hành luật, báo cáo đánh giá tác động chính sách còn thiếu số liệu, chưa bảo đảm bao quát, đầy đủ, thuyết phục đối với những quy định sửa đổi trong dự thảo; chưa đánh giá cụ thể tác động đối với ngân sách nhà nước, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi thực hiện chính sách.
Ghi nhận một số quy định để đáp ứng với bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, già hóa dân số, nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, dự thảo luật mới chỉ quy định “mang tính tuyên ngôn, chưa bảo đảm tính khả thi”.
Góp ý về dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Luật Việc làm (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng.
“Đây là công cụ để thực hiện đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao”, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Lưu ý rằng dự thảo luật sửa đổi có tới hơn 120 điều (luật hiện hành chỉ có 61 điều), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát kỹ, chỉ quy định vào dự thảo những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đảm bảo gọn, rõ, dễ áp dụng và thực thi; tránh trùng lặp, hoặc xung đột với Bộ luật Lao động và các đạo luật có liên quan khác.
Bàn về những nội dung cụ thể có liên quan đến tài chính - ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh tán thành việc bỏ Quỹ quốc gia về việc làm, chuyển giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và cho rằng, đây là giải pháp phù hợp, đồng bộ với các quy định về ngân sách.
Ông Lê Quang Mạnh cũng đồng tình với nội dung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạo nhiều việc làm cho người lao động theo hướng dẫn chiếu sang văn bản quy phạm pháp luật về thuế.
Về các đối tượng được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị bổ sung đối tượng là quân nhân xuất ngũ.
Cùng quan điểm về giải thể Quỹ quốc gia về việc làm, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tổng kết, bổ sung đánh giá về hiệu quả hoạt động của quỹ.
Nhìn nhận nội dung về tạo việc làm cho người cao tuổi như một điểm mới của dự thảo, song ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam nhận định, nội dung này vẫn chỉ mang tính định hướng, chưa cụ thể. Trong khi đó, Việt Nam đã có tới 16 triệu người cao tuổi và chưa đầy 10 năm nữa sẽ chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng.
“Nhu cầu có việc làm của người cao tuổi cũng rất lớn, trong khi nhiều doanh nghiệp sa thải người lao động khi mới 45-50 tuổi”, ông Hùng lo lắng.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thì cho rằng, dự thảo luật đã đề cập đến chính sách về chuyển đổi nghề theo hướng giảm thâm dụng lao động, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; nhưng còn “mỏng”, trong khi đây lại là yếu tố rất quan trọng để giữ chân và thu hút được đầu tư nước ngoài.
Về đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị bổ sung người lao động bị mất việc sau thiên tai, khủng hoảng…
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ rà soát, cô đọng dự thảo luật, “có thể dưới 100 điều”; tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo.