Những ngày vừa qua, vụ kẹo rau Kera quảng cáo sai sự thật chưa kịp lắng xuống thì việc cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa giả lại bùng lên. Nếu vụ kẹo Kera khiến 2 KOL (người có sức ảnh hưởng) bị truy tố, một hoa hậu phải công khai xin lỗi, thì vụ gần 600 nhãn hiệu sữa giả càng được dư luận chú ý hơn khi nó gắn liền với hàng loạt các KOL, nghệ sĩ đình đám. Có thể kể đến những cái tên như: BTV Q.M., MC V.H., NSND H.V., diễn viên L.K., C.T.…
Ngoài vấn đề quản lý chất lượng sữa đang được đặt ra, vụ gần 600 nhãn hiệu sữa giả này còn gióng lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận giới nghệ sĩ.
Trước đó, trong số những nghệ sĩ chịu điều tiếng vì quảng cáo sai sự thật, nghệ sĩ Q.L. là trường hợp có thể xem là một điển hình buồn cho sự đánh đổi này. Là một nghệ sĩ được đánh giá là có tâm, có tài, chỉ vì phút chốc “gật đầu” với những sản phẩm mập mờ mà danh tiếng lung lay, để lại một vết nhơ khó gột, đến mức cứ nhắc đến nghệ sĩ quảng cáo sai là người ta lại nhắc đến Q.L..
Tương tự, giờ đây NSND H.V., người đã dành cả thanh xuân cho sự phát triển của sân khấu kịch nghệ, cũng không tránh khỏi búa rìu dư luận khi vướng vào quảng cáo thực phẩm chức năng thiếu kiểm chứng. Lời xin lỗi “Tôi xin cúi đầu nhận lỗi” của chị không chỉ là sự hối hận mà còn là nỗi xót xa cho những giá trị tinh thần bị tổn thương.
Việc KOL hay nghệ sĩ tham gia quảng cáo, tự thân nó không xấu. Nó có thể là một nguồn thu chính đáng, thậm chí là động lực để họ không ngừng sáng tạo. Mối quan hệ cộng sinh giữa nghệ sĩ và nhãn hàng, giữa danh tiếng và lợi nhuận, vốn dĩ có thể mang lại những giá trị tích cực cho cả hai phía.
Song, khi lòng tham trỗi dậy, khi đồng tiền che mờ đi lương tri và trách nhiệm, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi, gây tổn hại không chỉ đến uy tín cá nhân mà còn xói mòn niềm tin của công chúng.
Trong nhịp sống 4.0 hiện nay, “nghề” livestream bán hàng là công việc mang lại thu nhập khủng, là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các quy chuẩn và đạo đức nghề nghiệp đã biến nó thành mảnh đất màu mỡ cho những chiêu trò lừa đảo, nơi những người nổi tiếng vô tình hoặc cố ý trở thành công cụ tiếp tay cho những sản phẩm kém chất lượng.
Phản ứng phổ biến của đa số nghệ sĩ, KOL khi sự việc vỡ lở là... âm thầm xóa clip, hình ảnh, bài viết liên quan, khóa bình luận công khai trên trang cá nhân, im lặng trước truyền thông lẫn công chúng và trốn tránh trách nhiệm. Thái độ này vừa thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, vừa là sự vô cảm đáng trách đối với những người hâm mộ đã đặt trọn niềm tin vào họ.
Hành động trách nhiệm hơn cả là người nghệ sĩ hay KOL cần chủ động lên tiếng xin lỗi, livestream thông tin rộng rãi, cảnh báo mọi người để dừng mua, dừng sử dụng sản phẩm. Chủ động lên tiếng cũng là cách để nghệ sĩ bảo vệ những khán giả yêu quý mình, đồng thời là cơ hội để họ chứng minh cho sự liêm chính và lòng tự trọng nghề nghiệp.
Về lâu dài, việc chuyên nghiệp hóa hoạt động livestream bán hàng là một đòi hỏi cấp thiết. Các biện pháp như cấp chứng chỉ hành nghề mà một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc… đang thực hiện, là bước đi cần thiết để thiết lập một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh và minh bạch.
Theo đó, để có thể livestream bán hàng, KOL, nghệ sĩ hoặc bất kỳ một ai đó đều bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Thậm chí nếu bán sản phẩm liên quan đến hỗ trợ sức khỏe, cần phải có thêm chứng chỉ liên quan đến y dược…
Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội đã mở ra những cơ hội kiếm tiền chưa từng có, đồng thời cũng đặt ra những thách thức về đạo đức và trách nhiệm. Đã đến lúc chúng ta cần một ranh giới rõ ràng giữa lợi ích và trách nhiệm, không cho phép sự im lặng vô trách nhiệm hay những lời biện minh sáo rỗng che đậy những hành vi thiếu lương tâm.
Bởi lẽ, danh tiếng của người nghệ sĩ được xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả sự tin yêu của khán giả, không thể dễ dàng đánh đổi bằng những đồng tiền nhuốm màu giả dối. Bi kịch lớn nhất không phải là sự mất mát về kinh tế mà là sự mất mát của niềm tin, khi những nghệ sĩ tự tay đánh mất vị thế trong lòng công chúng.