Ý tưởng của nhà kinh tế John Maynard Keynes về việc triển khai sử dụng một loại tiền tệ thống nhất cho cả thế giới ngay từ năm 1930 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở thành một chủ đề mang tính thời sự.
Nhiều người ủng hộ ý tưởng này - trong đó có Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbaev - đã công khai đề xuất kế hoạch xây dựng một đồng tiền thống nhất cho toàn thế giới dưới sự bảo trợ của LHQ. Đề xuất này, dù còn ở mức độ dè dặt, đã nhận được sự ủng hộ của không ít các quan chức tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)…
Cuộc chơi không công bằng?
Lịch sử của nền kinh tế thế giới tính ra đã trải qua 4 hệ thống tiền tệ, thường vào chính những giai đoạn khủng hoảng. Hệ thống tiền tệ đầu tiên (còn gọi là hệ thống Paris) được thành lập từ năm 1867 và tồn tại cho đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Hệ thống Genoa hình thành vào năm 1922 và sụp đổ ngay từ thời điểm bắt đầu cuộc Đại suy thoái. Hệ thống Bretton-Woods ra đời sau đó đã nhanh chóng biến mất vào năm 1971 mà không để lại dấu hiệu đặc biệt nào.
Thời điểm hiện nay được nhiều người đánh giá là “buổi hoàng hôn” của hệ thống tiền tệ Jamaica, hình thành từ hội nghị của các nước thành viên IMF tại Kingston vào năm 1976.
“Hệ thống tiền tệ - tài chính hiện nay không phù hợp với bất cứ một tiêu chí vững chắc nào”, Tổng thống Nursultan Nazarbaev nhận định. Theo đó, tình trạng chiếm ưu thế gần như tuyệt đối của đồng đô la Mỹ đang gây ra những điều kiện không công bằng giữa các nền kinh tế.
Những đánh giá của tổng thống Kazakhstan còn được dẫn chứng bằng một loạt số liệu thống kê. Chẳng hạn như theo số liệu của IMF, toàn bộ số tiền tệ dự trữ của tất cả các nước trên thế giới đã tăng nhanh chóng từ 435 tỷ USD lên tới 1.176 tỷ USD.
Trung bình, mỗi năm trên thị trường thế giới đã diễn ra các vụ mua bán loại tiền tệ này của Mỹ có tổng trị giá tới 1.200 tỷ USD, 1/3 trong số này là những thương vụ kiểu trả tiền ngay. Mức độ chênh lệch này dẫn tới nguy cơ các cuộc khủng hoảng về khả năng thanh toán.
Tình hình này khiến cho nhiều quốc gia đang phát triển để có thể duy trì được cán cân chi trả hợp lý của chính mình, trên thực tế đã buộc phải gián tiếp cung cấp tài chính cho các kế hoạch của chính quyền Barack Obama - đó là mua đồng đô la và cho nước Mỹ vay với lãi suất cực kỳ thấp.
Nhiều ngân hàng trung ương của các nước khác nhau thậm chí đã phải đưa ra câu hỏi: Liệu có công bằng hay không khi người Mỹ đang giải quyết các vấn đề của mình bằng tiền túi của người khác?
Đồng tiền chung thế giới - bao giờ?
Để thay thế đồng đô la trong hệ thống tiền tệ Jamaica hiện hay, phía Kazakhstan đề xuất một đơn vị tiền tệ mới, trong đó việc quy định tỷ giá sẽ có sự tham gia của tất cả các quốc gia chứ không chỉ có vai trò quan trọng hàng đầu của Mỹ.
Trên thực tế, một hình thức tiền tệ tương tự đã và đang tồn tại ngay từ thời điểm bình minh của hệ thống tiền tệ Bretton-Woods. Đó chính là SDR (Special Drawing Rights) do IMF phát hành, chứ không phải là “bancor” như theo cách gọi của đồng tiền chung quốc tế do Keynes đề xuất.
Nếu đi cụ thể vào những đề xuất mới trên, một tổ chức quốc tế nào đó (LHQ hay IMF) sẽ phát hành một đơn vị tiền tệ có sự biến đổi phù hợp một cách tối đa với phần lớn các loại tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới.
Nói cách khác, những quốc gia trên cũng là những người đồng phát hành ra đồng tiền chung thế giới này. Chỉ tính riêng đặc điểm này, đồng tiền chung thế giới đã có những khác biệt hẳn so với SDR - hiện chỉ được sử dụng như một khoản vốn dự trữ bổ sung cho sức mạnh tiền và vàng của các nước thành viên IMF.
Tỷ giá của SDR hiện nay chỉ được xác định qua 4 đơn vị tiền tệ cơ bản: đồng đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật - dù đã có thời gian SDR được xác định tỷ giá bằng 16 loại tiền tệ khác nhau.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đề xuất của Nursultan Nazarbaev cùng một số người ủng hộ khác trong trường hợp được triển khai rất có thể trở thành một “cây gậy hai đầu”. Nếu như đề xuất trên có thể hạn chế và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ chỉ sau một thời gian tương đối dài thì ngược lại nó có thể tác động tiêu cực tới các nền kinh tế khác ngay lập tức.
Đơn giản là nếu không giải quyết được những vấn đề của Mỹ (là thị trường tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ lớn nhất), ngay các quốc gia khác cũng không thể có bước đột phá. Ngay như kế hoạch kích thích kinh tế của Obama nếu không đạt được hiệu quả đáng kể, chịu tổn thất đầu tiên lại chính là các nền kinh tế đang phát triển.
Bản thân các quan chức đại diện IMF cũng bình luận về đề xuất mới này với quan điểm tương đối dè dặt. Các chuyên gia của quỹ này cho rằng, đề xuất của Nazarbaev là “rất thú vị” nhưng hiện giờ vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. “Các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế hiện vẫn còn có quá ít kết quả nghiên cứu để quỹ có thể đi đến một quan điểm rõ ràng về vấn đề trên”, đó là nội dung thông báo chính thức của IMF.
Ngay chính phủ nhiều nước trên thế giới vẫn chưa có phản ứng đáng kể nào, khi một số bên còn nhìn nhận đây chỉ là một “vấn đề chính trị”. Ngay cả khi đề xuất trên được thực thi, sẽ còn rất nhiều những cạnh tranh và bất đồng dài dài trước khi các bên đưa ra được phương án cuối cùng.
Còn nhớ khi hệ thống tiền tệ Paris được thành lập, ba nước Anh, Pháp và Mỹ đã cạnh tranh gay gắt với nhau để đơn vị tiền tệ của mình trở thành đồng tiền dự trữ chính. Hệ thống Bretton-Woods khi ra đời chứng kiến sự cạnh tranh tay đôi giữa Mỹ và Anh. Đến khi hình thành hệ thống Jamaica, đồng đô la của Mỹ đã không có đối thủ.
Giờ đây, nếu xét theo những tiêu chí đầy tham vọng của đồng tiền chung mới, tham gia vào cuộc cạnh tranh gay gắt trên sẽ là rất nhiều quốc gia hiện đang là những chủ nợ bất đắc dĩ của Mỹ. Có lẽ sẽ còn phải chờ đợi một thời gian dài trước khi một đồng tiên chung thế giới có thể trở thành hiện thực theo đúng ý nghĩa và mong muốn của tất cả (hoặc phần lớn) các quốc gia.
NHƯ QUỲNH (SGGP-12G)