Khởi công rồi… ngưng
Từ năm 2019, UBND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi thuộc Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Sở KH-CN TPHCM đã thẩm định công nghệ đốt rác phát điện; Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Sau đó, dự án được khởi công vào tháng 10-2019, nhưng sau hơn 3 năm triển khai, dự án vẫn mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát địa chất, san lấp mặt bằng, xây tường bao quanh.
Lý giải thực tế này, đại diện Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa cho biết, để có thể được bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn vào lưới điện quốc gia, từ năm 2020 đến nay, công ty đã phải trải qua rất nhiều thủ tục hành chính. Cụ thể, ngày 1-9-2020, Bộ Công thương đã có văn bản số 6525/BCT-ĐL gửi các bộ, ngành. Đến ngày 30-12-2020, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương có văn bản gửi Sở Công thương về việc hiệu chỉnh hồ sơ bổ sung dự án điện nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa vào quy hoạch phát triển điện lực.
Cùng với đó, công ty đã có văn bản gửi Sở TN-MT, Sở QH-KT, UBND huyện Củ Chi theo yêu cầu của Sở Công thương về việc lấy ý kiến các sở ngành liên quan về nội dung tính pháp lý và quy hoạch đất của dự án tại văn bản của Cục Điện lực nêu trên. Sau khi hoàn tất, công ty đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh theo góp ý của các đơn vị liên quan, điều chỉnh bổ sung hồ sơ để trình lại Sở Công thương. Đến ngày 13-5-2021, Sở Công thương có tờ trình gửi UBND TPHCM và UBND TPHCM đã có công văn gửi Bộ Công thương về vấn đề này, nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa được giải quyết hoàn tất.
Cũng liên quan đến vấn đề xử lý rác là dự án nhà máy xử lý rác đốt phát điện của Công ty CP TASCO với công suất xử lý 1.120 tấn/ngày. Dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi. Thế nhưng, hiện dự án chỉ mới hoàn tất làm đường tạm dọc Kênh 15 và cầu tạm để phục vụ xây dựng nhà máy, san lấp một phần mặt bằng dự án.
“Bất động” dự án tỷ USD Mũi Đèn Đỏ
Dự án Khu đô thị mới Saigon Peninsula (còn được gọi là dự án Mũi Đèn Đỏ, tọa lạc ngã ba sông Sài Gòn gần cầu Phú Mỹ, giáp sông Nhà Bè, sông Sài Gòn và rạch Bà Bướm, đường Đào Trí, quận 7, TPHCM) là khu đô thị chức năng có diện tích gần 118ha, gồm công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị với các khu căn hộ, tòa nhà văn phòng, khách sạn 5 sao, cảng tàu khách quốc tế, cùng hệ thống tiện ích đa dạng, cao cấp.
Dự án ban đầu được Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ký hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group; với tổng vốn đầu tư được công bố gần 6 tỷ USD, Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula là liên danh thực hiện. Năm 2016, dự án được Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula tổ chức lễ khởi công. Tuy nhiên sau nhiều năm “án binh bất động”, đến nay các hạng mục của dự án này đều xuống cấp, hoang vắng. Bên trong dự án, khu đất rộng cả trăm hécta chỉ toàn cây xanh và cỏ dại...
Trước đó, 29 hộ dân sở hữu đất trong khu vực dự án nộp đơn kiện Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, đòi bồi thường hơn 2.100 tỷ đồng do đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ những năm 2007-2008, nhưng đến năm 2019 vẫn chưa nhận được tiền thanh toán như đã cam kết. Đầu năm 2022, TAND quận 7 đã bác yêu cầu của 29 hộ dân này, cho rằng công ty đã trả tiền đầy đủ cho các hộ dân. Tuy nhiên, các hộ dân không đồng tình với phán quyết và cho biết sẽ kiện lên cấp cao hơn.
Cuối năm 2021, UBND TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Đồng Nai trên địa bàn TP Biên Hòa (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu). Dự án có tổng chiều dài 5,2km nằm hoàn toàn trên địa bàn phường Bửu Long, điểm đầu tại mố A cầu Hóa An, điểm cuối tại khu vực giáp ranh huyện Vĩnh Cửu, mức đầu gần 1.300 tỷ đồng (chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng); trong đó, 400 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, phần còn lại từ ngân sách tỉnh Đồng Nai. Để thực hiện dự án, UBND TP Biên Hòa phải thu hồi diện tích 17,6ha đất của 587 hộ dân, trong đó 302 hộ dân trong diện phải giải tỏa trắng, được bố trí tái định cư.
Có mặt tại dự án tuyến đường ven sông Đồng Nai vào những ngày đầu tháng 3-2023, chúng tôi khá bất ngờ vì tiến độ “rùa bò” của dự án. Ngay tại mố A cầu Hóa An có nhiều quán cà phê, hàng quán chưa được di dời, hoạt động buôn bán khá nhộn nhịp. Sau hơn một năm động thổ, các hạng mục của dự án vẫn “án binh bất động”, chưa thấy có dấu hiệu gì triển khai thi công. Nhiều hộ dân có đất thuộc diện thu hồi nhưng chưa được phê duyệt bồi thường, bức xúc cho biết, khi có chủ trương làm dự án, bà con rất ủng hộ và sẵn sàng nhường đất để cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện. Nhưng tiến độ dự án ì ạch, việc phê duyệt bồi thường chậm trễ khiến người dân lo âu, thấp thỏm vì không biết khi nào mới được di dời để ổn định cuộc sống.
Số liệu từ Ban Quản lý dự án tỉnh Đồng Nai cho thấy, hiện TP Biên Hòa mới bàn giao mặt bằng hơn 13ha, tương đương với chiều dài khoảng 3,8/5,2km toàn tuyến. Đối với phần diện tích còn lại gần 3ha (tương ứng với 1,3km), có 41 hộ dân chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nên UBND TP Biên Hòa đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thiện các thủ tục. Còn phần đất của Trạm bơm xăng dầu của Trung đoàn 935, UBND TP Biên Hòa đã làm việc với Trung đoàn 935; UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có các buổi làm việc với Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân để bàn phương án xử lý.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, vướng mắc lớn nhất vẫn nằm ở công tác giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh Đồng Nai đang yêu cầu các sở ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ TP Biên Hòa tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trọng điểm này.