Động thổ, khởi công rồi... bất động - Bài 3: Dự án công viên, khu du lịch… đắp chiếu

Không chỉ các dự án hạ tầng mà nhiều dự án công trình công cộng được kỳ vọng làm thay đổi vùng đất và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân cũng rơi vào cảnh “bất động” nhiều năm qua.

Khu du lịch “trùm mền”

Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau, còn gọi Lâm viên 19-5, vốn là không gian hoạt động vui chơi, giải trí của TP Cà Mau, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Thế nhưng, khi UBND tỉnh Cà Mau giao một phần diện tích đất quy hoạch thuộc công viên cho Công ty TNHH Du lịch Việt Úc - Cà Mau thực hiện dự án du lịch thì không chỉ dự án “trùm mền”, mà 10 năm qua người dân cũng bị mất chỗ vui chơi.

Khu đất quy hoạch Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau (phường 1,TP Cà Mau). Ảnh: TẤN THÁI

Khu đất quy hoạch Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau (phường 1,TP Cà Mau). Ảnh: TẤN THÁI

Vào tháng 5-2013, Dự án điểm du lịch Việt Úc - Cà Mau được chủ đầu tư là Công ty TNHH Du lịch Việt Úc - Cà Mau khởi công xây dựng. Theo thông báo của chủ đầu tư lúc đó, điểm du lịch này sẽ đưa vào sử dụng sau 2 năm, sẽ là điểm tham quan và nghỉ dưỡng quy mô và đẳng cấp tại TP Cà Mau. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 3-2023, trở lại khu vực Dự án điểm du lịch Việc Úc - Cà Mau, chúng tôi thấy không có thay đổi gì nhiều so với cách đây 10 năm, thậm chí còn tệ hơn. Đoạn dẫn từ đường Ngô Quyền vào khu vực dự án dang dở, trước cổng dự án có bảng “không phận sự cấm vào”. Bên trong, khu đất được bàn giao từ Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau trước đây như: khu vực chuồng thú, các hồ nuôi cá nước ngọt, cá sấu, vườn chim mini, hồ cảnh quan lớn có mô hình đảo Hòn Khoai, sân bãi, cây xanh… xuống cấp và hoang tàn, lau sậy mọc um tùm.

Theo tìm hiểu, tháng 12-2007, tỉnh Cà Mau cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Du lịch Việt Úc - Cà Mau thực hiện Dự án điểm du lịch Việt Úc - Cà Mau với quy mô hơn 15ha, tổng vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng. Chủ đầu tư sẽ xây dựng các hạng mục: nhà hàng có quy mô phục vụ trên 600 khách; khách sạn 3 sao; khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp trên 110 phòng.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nhà đầu tư thực hiện quá chậm, không như kỳ vọng mục tiêu ban đầu đề ra. Vì vậy, sở cũng sốt ruột và mong muốn nhà đầu tư sớm thực hiện dự án, tạo điểm nhấn hình thành điểm tham quan và du lịch của tỉnh Cà Mau”. Còn theo ông Tô Tấn Nhựt, Phó Chủ tịch UBND phường 1 (TP Cà Mau), do dự án “trùm mền” nhiều năm nên đã tạo dư luận không tốt trong người dân địa phương, cũng như trong vùng dự án. Chính quyền địa phương rất mong muốn nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, ông Ngô Văn Huynh, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở KH-ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết, tháng 12-2022, sở tổ chức cuộc họp với các đơn vị có liên quan và Công ty TNHH Du lịch Việt Úc - Cà Mau về tình hình thực hiện dự án. Tại cuộc họp, chủ đầu tư cho biết, dự án chậm tiến độ là bị vướng giải phóng mặt bằng. Cho tới thời điểm cuối năm 2022, đã bồi thường 15,03/15,57ha của 126 hộ gia đình và 2 tổ chức, nhưng còn 0,54ha (thuộc vùng lõi của dự án) của 2 hộ gia đình không thể vận động, thương thảo được dù đã gặp gỡ, trao đổi nhiều lần. Mới đây nhất, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã giao Sở Xây dựng chủ trì, đôn đốc UBND TP Cà Mau, Công ty TNHH Du lịch Việt Úc - Cà Mau khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 (thời hạn đưa ra là trong tháng 3-2023), để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định.

Chờ công viên “lớn nhất thủ đô”

Tháng 9-2016, UBND TP Hà Nội đã tổ chức rầm rộ lễ khởi công Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (Công viên Kim Quy) tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư. Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo cấp cao khi đó đã đánh giá dự án có ý nghĩa lịch sử, tạo không gian vui chơi cho người dân, góp phần thúc đẩy dịch vụ du lịch của Hà Nội; yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng tiến độ cam kết, đảm bảo chất lượng. Dự án đặc biệt thu hút sự quan tâm của người dân bởi được giới thiệu đây sẽ là công viên lớn nhất thủ đô với quy mô hơn 100ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.600 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Công viên Kim Quy sẽ được thi công trong 18 tháng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác năm 2018.

Tuy nhiên, sau lễ khởi công rầm rộ, dự án đã không được triển khai. Trong suốt thời gian đó, người dân trong khu vực đã có nhiều kiến nghị đến chính quyền huyện Đông Anh và TP Hà Nội. Theo đại diện chủ đầu tư, lý do dự án bị ngừng trệ là vướng công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch chậm nhất trong 2017, nhưng phải đến tháng 10-2021 dự án mới được bàn giao 97% diện tích mặt bằng.

Cuối năm 2022, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về việc các dự án chậm tiến độ, trong đó dự án Công viên Kim Quy cũng bị “điểm danh”. Tại phiên giải trình, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo huyện Đông Anh sớm giải phóng mặt bằng diện tích đất còn lại, chủ đầu tư cần phối hợp các sở ngành và huyện Đông Anh để hoàn thiện thủ tục và đầu tư xây dựng, sớm đưa công trình vào sử dụng. Từ cuối năm 2022, chủ đầu tư đã bắt đầu khởi động lại dự án với các hạng mục hạ tầng cơ bản và cam kết tăng tổng mức đầu tư lên 10.000 tỷ đồng, hoàn thành sau 2 năm kể từ khi được cấp phép. Thế nhưng, đến thời điểm này, dự án vẫn phải chờ bàn giao đủ diện tích mặt bằng. Đại diện chủ đầu tư cho biết, chính quyền huyện Đông Anh vẫn chưa có cam kết về thời hạn bàn giao mặt bằng!

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, cho biết, việc đầu tư phát triển các công viên lớn như Công viên Kim Quy là chủ trương đúng của TP Hà Nội trong việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và phát triển du lịch thủ đô. Trong bối cảnh thủ đô đang thiếu trầm trọng các công viên, tổ hợp vui chơi giải trí lớn, hiện đại, TP Hà Nội và chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Công viên Kim Quy, không để người dân mòn mỏi chờ đợi.

Tin cùng chuyên mục