Mỏi mòn dự án NƠXH
Đầu năm 2023, vợ chồng chị Hoàng Thị Ngọc mua được căn NƠXH thuộc dự án HQC Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức. Trước đó, gia đình chị Ngọc nhiều năm ở trọ tại phường Linh Đông (TP Thủ Đức), mỗi tháng trả tiền thuê 4 triệu đồng. Khi được duyệt mua NƠXH, vợ chồng chị trả trước 200 triệu đồng, còn lại mỗi tháng trả góp 7 triệu đồng. Mừng vui vì đã có nơi an cư, chị Ngọc xúc động nói: “Có được căn hộ là gia đình tôi hạnh phúc lắm rồi. Các cháu có góc học tập, vợ chồng có phòng riêng. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, gia đình tôi chịu khó trả góp hơn chục năm là có căn nhà”.
Trường hợp của chị Ngọc được xem là may mắn, bởi vì nhu cầu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp như chị rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng lại quá ít ỏi. Theo ghi nhận, hiện dự án NƠXH tại TPHCM tổ chức động thổ, khởi công khá nhiều, nhưng khởi công rồi… để đó cũng không ít. Cách nay 11 tháng, vào dịp 30-4, dự án NƠXH tại khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) được tổ chức lễ động thổ. Tuy nhiên, hiện “dấu vết” dự án chỉ là những cọc bê tông nằm rải rác trên khu đất bị cỏ mọc um tùm bao quanh. Cũng được khởi công dịp lễ 30-4 vừa qua, dự án NƠXH tại phường Long Trường (TP Thủ Đức) dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp gần 600 căn hộ. Tuy nhiên, gần một năm trôi qua, toàn bộ công trường vẫn được rào chắn cẩn thận, bên trong không có dấu hiệu đang triển khai thi công!
Tương tự, vào dịp lễ Quốc khánh 2-9-2022, dự án NƠXH thuộc dự án khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) được động thổ. Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án sau khi hoàn thành sẽ cung cấp 712 căn hộ cho người lao động có thu nhập trung bình với đầy đủ tiện ích. Nhưng hiện dự án chưa có dấu hiệu thi công, khu đất là bãi giữ xe tải và cho thuê chứa vật liệu xây dựng. Cách đó không xa một dự án chung cư ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức được quảng bá sẽ đầu tư theo tinh thần NƠXH thế hệ mới với thiết kế hiện đại, cũng động thổ dịp lễ 2-9-2022. Hiện đã qua 7 tháng, dự án vẫn là khu đất cỏ mọc um tùm.
Trong khi đó, dự án nhà lưu trú công nhân (giai đoạn 2) tại Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức) được khởi công cách nay gần 1 năm trên khu đất rộng hơn 5.000m2, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công với quy mô 360 căn hộ cho thuê với giá hợp lý, cũng đang là khu đất trống.
Bà Huỳnh Thị Bạch Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng, sản xuất, dịch vụ du lịch Thiên Phát, chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II, cho biết, dự án NƠXH được hưởng chính sách ưu đãi như vay lãi suất thấp, tăng 1,5 lần các chỉ tiêu so với quy hoạch chung của khu vực và doanh nghiệp đã thiết kế đúng chỉ tiêu nhưng cơ quan chức năng yêu cầu phải làm đúng quy hoạch 1/2000 của Khu chế xuất Linh Trung II.
Trong khi đó, đất xây dựng dự án là đất thương mại, dịch vụ nên không được hưởng những tiêu chuẩn NƠXH, doanh nghiệp đã làm văn bản trình UBND TPHCM để được hưởng chính sách ưu đãi NƠXH, nhưng hiện nay các sở, ngành chưa thống nhất được cách giải quyết. Chính vì vậy, sau khi động thổ, dự án vẫn chưa thể triển khai xây dựng.
Dự án nhà máy giấy cho cỏ mọc
Tại Kon Tum, dự án đầu tư mang lại sự thất vọng lớn lao cho nhiều người dân nơi đây là dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum (thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô), do Công ty CP Tân Mai Tây Nguyên làm chủ đầu tư. Năm 2009, dự án được khởi công xây dựng trên diện tích khoảng 157ha, có công suất 130.000 tấn/năm. Dự án được chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Sau khi khởi công, dự án liên tục chậm tiến độ và nhiều lần được điều chỉnh vốn đầu tư xuống còn 1.300 tỷ đồng và diện tích đất là 57ha, công suất 70.000 tấn/năm.
Thế nhưng, đã 14 năm trôi qua kể từ ngày khởi công rầm rộ, dự án vẫn đang “đứng im”. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, bao quanh dự án là tường rào hiện đã xuống cấp, bên trong cỏ mọc ngút ngàn, không thấy dấu hiệu đầu tư. Tại dự án này, vào tháng 9-2022, Sở KH-ĐT Kon Tum đã tổ chức kiểm tra, khẳng định dự án chậm tiến độ, dù đã được điều chỉnh nhiều lần. Dự án cũng được xác định có vi phạm trong việc chậm đưa đất vào khai thác sử dụng hơn 24 tháng kể từ ngày được giao đất ngoài thực địa theo quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 và quy định tại điểm c, điểm d, khoản 12, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017.
Tháng 11-2022, Công ty CP Tân Mai Tây Nguyên có văn bản gửi Sở KH-ĐT, UBND tỉnh Kon Tum xin điều chỉnh giãn tiến độ đầu tư đến hết tháng 8-2024. Khi được lấy ý kiến chính quyền địa phương, UBND thị trấn Đắk Tô (địa bàn nơi xây dựng nhà máy) cương quyết không thống nhất việc xin điều chỉnh giãn tiến độ của dự án.
Lý do UBND thị trấn Đắk Tô đưa ra là vì dự án này triển khai thực hiện quá lâu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Đắk Tô nói chung và thị trấn nói riêng. Từ năm 2009 đến 11-2022, Công ty CP Tân Mai Tây Nguyên chưa thực hiện các hạng mục công trình đã nêu trong dự án, gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Cử tri nhiều lần lên tiếng dự án gây lãng phí tài nguyên đất, đề nghị các cấp có thẩm quyền thu hồi dự án, đưa vào kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư khác có khả năng hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Tô, cho biết: “Khi bắt đầu triển khai, dự án đã mang lại rất nhiều kỳ vọng như giải quyết công ăn việc làm, thu mua nguyên liệu gỗ đầu vào cho người dân. Tuy nhiên, dự án kéo dài nhiều năm, người dân không còn hy vọng, không còn quan tâm và họ đã có kế hoạch làm ăn khác. Những lao động được đào tạo làm công nhân thì giờ họ đi làm việc khác rồi”.