Theo đó, lô hàng xuất sang Nhật lần này khoảng 15 tấn củ sen được cấp đông ở nhiệt độ -25 độ, theo công nghệ IQF, được Công ty cổ phần Sen Đại Việt lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật. Lô hàng 15 tấn, với giá trị khoảng 1 tỷ đồng, được đóng gói trong container 40feet sẽ đi từ cảng Cát Lái (TPHCM) sang cảng Tokyo (Nhật Bản).
Dự kiến trong năm 2024, Sen Đại Việt sẽ xuất khẩu cho đối tác Nhật Bản này khoảng 8 container với giá trị đơn hàng năm 2024 gần 7 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu sen lấy củ từ khi trồng cho đến thu hoạch là khoảng 4,5 tháng, sẽ được công ty thu mua từ Đồng Tháp và các tỉnh khác thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Được biết, Tháp Mười có diện tích trồng sen chiếm hơn 30% diện tích sen của cả tỉnh (tương đương 525ha). Năm 2023 nông dân trồng sen của tỉnh có lợi nhuận bình quân hơn 28 triệu đồng/ha/vụ.
Đây là sản phẩm đặc thù mang thương hiệu của tỉnh Đồng Tháp, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng phát triển du lịch. Sen cũng là một trong các ngành hàng chủ lực được xác định trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Sen được trồng rộng khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh với hơn 1.800ha, sản lượng đạt hơn 1.500 tấn/năm. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng, Tam Nông...
Hiện, Đồng Tháp cũng có hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sen; 56 sản phẩm OCOP làm từ sen; 4 sản phẩm từ sen được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Made in Dong Tháp”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, đợt này khối lượng xuất khẩu không lớn nhưng đây là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà trong việc triển khai các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu nông sản của địa phương, tạo điều kiện cho sen Đồng Tháp thâm nhập vào các thị trường khó tính khác trên thế giới. Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ phát triển ngành hàng sen hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bền vững. Quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen quy mô lớn, tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho một số ngành nghề liên quan như công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch, triển khai các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng; nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại…
Theo ông Thiện, cùng với những cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản trong quá trình thực thi Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản (Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hy vọng rằng nông sản của Đồng Tháp nói chung và đặc biệt là mặt hàng sen của Đồng Tháp nói riêng sẽ thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản nhiều hơn.
“Tỉnh còn tập trung xây dựng xác nhận cấp mã vùng trồng sen để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ. Đặc biệt, Đồng Tháp đang triển khai thực hiện Dự án “Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen”, dự kiến nghiệm thu trong tháng 6-2024”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện thông tin.