Cụ thể: Nâng cấp, chỉnh trang khu nuôi nhốt rộng 4ha để chăm sóc sếu nhập từ nước ngoài về. Khu nuôi có thiết kế gồm các chuồng nuôi sếu ghép đôi sinh sản; nuôi sếu non dưới 6 tháng tuổi; nuôi bán hoang dã; hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống hạ tầng kỹ thuật: cấp thoát nước, cây xanh, thảm cỏ, đường nội bộ...
Bên cạnh đó là tổ chức trồng lúa sinh thái tại các khu vực tiếp giáp khu A4 VQG Tràm Chim, bao gồm ô bao số 25 (xã Phú Đức) và ô bao số 43B (xã Tân Công Sính) thuộc huyện Tam Nông. Theo kế hoạch, đến năm 2028 sẽ có khoảng 200ha lúa mô hình sản xuất sinh thái, hữu cơ tại các khu vực lân cận VQG Tràm Chim.
Cùng với đó, hình thành các điểm du lịch sinh thái - ruộng vườn kết hợp với xem sếu và các hoạt động liên quan đến sinh thái ruộng vườn (khoảng 10 hộ gia đình thực hiện).
Để thực hiện hiệu quả các nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị các ngành liên quan phối hợp thực hiện quyết liệt các phần việc: Nhanh chóng hỗ trợ người dân sống xung quanh các khu vực đất ngập nước chuyển đổi sang các mô hình kinh tế bền vững; kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm quy định về bảo tồn loài... Cùng với đó, đẩy nhanh thực hiện các dự án phục hồi nguồn nước tự nhiên; trồng các loài cây đảm bảo nguồn thức ăn phong phú cho sếu đầu đỏ; quản lý chất lượng nước, đặc biệt hạn chế việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp gần các khu vực đất ngập nước...
Cũng nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng sự kiện Lễ công bố đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ, lãnh đạo Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Thái Lan và lãnh đạo Bộ NN-PTNT Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, các nhà khoa học, nhà tài trợ... đến tham quan khu nuôi dưỡng và chăm sóc sếu đầu đỏ tại khu A3 tại Vườn Quốc gia Tràm Chim rộng 4ha.