Sáng 13-4, ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho biết: “Cách đây vài ngày tại ấp Bình Hoà xảy ra sạt lở dài 150 m, độ sâu hơn 10 m, đe doạ đời sống của hơn 10 hộ dân. Trong đó, có 5 căn nhà nằm cạnh miệng “hà bá”, chỉ cách mép sông từ 1-10m, cần di dời khẩn cấp”.
Nguyên nhân dẫn đến sạt lở, một phần do khai thác cát từ phía bờ sông Tiền. Hàng ngày, các phương tiện khai thác cát hoạt động liên tục bên phía bờ sông thuộc xã Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) làm dòng chảy nghiêng về phía bờ thuộc huyện Thanh Bình, tạo ra dòng nước xoáy, lực nước chảy mạnh nên khó tránh khỏi sạt lở”.
Sạt lở ăn sâu vào bờ sông Tiền qua xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: An Minh
Tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), thời gian qua ở cồn Long Thuận (xã Long Thuận) cũng liên tục xảy ra sạt lở. Thống kê của UBND xã Long Thuận, từ năm 2011 đến 2015, đã xảy ra 45 vụ sạt lở, kéo dài trên nhiều cây số, lở ăn sâu vào đất liền mỗi năm khoảng 10m, diện tích đất bị mất hơn 20.000m². Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, chính quyền địa phương nhiều lần nắn đường nhưng sạt lở vẫn diễn ra. Riêng năm 2016 và đầu năm 2017, tại xã này xảy ra 5 vụ sạt lở, cuốn theo hàng ngàn khối đất, tiếp tục ăn sâu vào đất liền, đoạn sâu nhất là 15m.
Ông Võ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Ngoài việc thiếu phù sa thì hoạt động khai thác cát cũng gây sạt lở bờ sông ở tỉnh nhiều năm qua”.
Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp, tính đến tháng 3-2017, tổng các phương tiện đang khai thác và thi công nạo vét trên sông Tiền, sông Hậu qua địa phận tỉnh Đồng Tháp là 85 phương tiện. Trên sông Tiền là 77 phương tiện trải dài khoảng 120km (từ biên giới Campuchia đến xã An Nhơn (huyện Châu Thành, chưa tính các nhánh cù lao sông Tiền). Trên sông Hậu có 8 phương tiện, trải dài khoảng 30 km, từ xã Định An (huyện Lấp Vò) đến xã Phong Hoà (huyện Lai Vung).