Tôn vinh hoa Sen
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ ngày 19-5 đến 21-5, tại TP Cao Lãnh sẽ diễn ra lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ 1 - 2022 với chủ đề “Sen ngày mới”. Lễ hội nhằm tôn vinh hoa sen, đồng thời phát huy giá trị văn hóa, kinh tế của các sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp.
Qua đó, thúc đẩy phát triển ngành trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương; xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch tại Đồng Tháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tại lễ hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch ấn tượng như: Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm sen Đồng Tháp, chương trình nghệ thuật “Sen trong tôi” trình diễn áo dài, áo bà ba; hoạt động giao lưu, tôn vinh những người trồng sen giỏi và những người sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sen; khu triển lãm sản phẩm OCOP, trải nghiệm sen đa sắc và chương trình giao lưu đờn ca tài tử - hò Đồng Tháp.
Cũng trong lễ hội lần này, tỉnh Đồng Tháp dự kiến xác lập kỷ lục với khoảng 200 món ăn chế biến từ sen. Đồng thời, tổ chức không gian trưng bày tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, thư pháp từ sen, thi ảnh đẹp và tổ chức trại sáng tác ca khúc viết về Đồng Tháp; tổ chức Famtrip “Một thoáng Đồng Tháp”; trang trí các tiểu cảnh hồ sen đẹp trên các tuyến đường chính… Ngoài ra, còn có diễn đàn kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ II tại tỉnh Đồng Tháp.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa mong muốn sẽ mang lại không khí hơn cả một lễ hội thông thường. Ở đó, lễ hội Sen Đồng Tháp mang những khát vọng phát triển vươn xa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp; viết tiếp hành trình xây dựng và quảng bá thương hiệu đất Sen Hồng đã được thực hiện từ năm 2017 của các lãnh đạo tiền nhiệm.
“Sen ngày mới” sẽ kể tiếp những câu chuyện của hôm nay, của những con người năng động, sáng tạo từ hình ảnh cây sen thân thuộc trở thành tiềm năng phát triển kinh tế, phát triển du lịch và giữ được giá trị văn hóa của xứ sở sen hồng.
Chính vì vậy, mà tỉnh kỳ vọng lễ hội sen lần này không chỉ để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, giao lưu, sáng tạo văn hóa; mà còn là cơ hội để kết nối, giao lưu của những người làm kinh tế về sen, của những người mong muốn mang sen giới thiệu với bạn bè quốc tế…
Nâng cao giá trị cây sen
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, từ năm 2017, Đồng Tháp bắt đầu thực hiện đề án tạo dựng hình ảnh địa phương và chọn “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen” làm khẩu hiệu (slogan) cho ngành du lịch tỉnh.
Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên thiết lập được bộ nhận diện của địa phương và thương hiệu “đất Sen Hồng” ngày càng được các phương tiện truyền thông cả nước nhắc đến.
Sâu xa của việc chọn hoa sen là biểu tượng địa phương nhằm thể hiện phẩm chất, tinh thần con người Đồng Tháp vươn lên của hoa sen, không khuất phục trước gian khó và thuần khiết “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Qua cốt cách, qua phẩm giá, qua tình người, với ý chí phấn đấu, nỗ lực vươn lên để tự hoàn thiện bản thân, mỗi người đều có thể như đóa sen tỏa hương, khoe sắc, góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
Cũng theo UBND tỉnh Đồng Tháp, triển vọng về phát triển của cây sen trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Toàn tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng Sen khoảng 600ha, trong đó huyện Tháp Mười đóng vai trò chủ lực.
Thời gian qua, cây sen cũng được huyện Tháp Mười chọn làm ngành hàng chủ lực để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị bền vững gắn kết với phát triển du lịch. Ngoài huyện Tháp Mười thì cây sen cũng phát triển sang các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò…
Hiện nay, sản phẩm đặc sản, hàng quà tặng nguyên liệu từ sen ngày càng phát triển phong phú, đa dạng. Nhiều sản phẩm chất lượng cao, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật tinh tế hứa hẹn trở thành những ngành hàng phát triển mạnh như: Tranh lá sen, thư pháp lá sen, hoa sen ướp tươi, lụa tơ sen, sữa sen, hạt sen sấy, trà sen thượng hạng...
Đáng phấn khởi là có nhiều dự án khởi nghiệp từ sen của các bạn trẻ đã thành công như: Ecolotus của Khởi Minh Thành Công, Tinh dầu Hương Đồng Tháp, Nhang Sen Liên Tâm, Sữa hạt Sen Ba Tre... Đến nay, Đồng Tháp có khoảng 20 sản phẩm, hàng quà tặng từ sen đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Để nâng cao giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp, trong thời gian tới UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân phát triển các sản phẩm chế biến từ cây sen, nhất là các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp từ sen.
Trong đó, ngoài việc hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục để sản phẩm được hoàn thiện, tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia những chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sen, chuẩn hóa sản phẩm ngành hàng sen tham gia chương trình OCOP tỉnh Đồng Tháp; kết nối nông dân để cùng sản xuất tạo ra vùng nguyên liệu để phát triển cây sen; tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen gắn với phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, người dân cũng cần áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm đạt năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm sen. Ngoài ra, các nhà khoa học và các ngành chức năng, đơn vị có liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ về giống, chuyên môn, trang thiết bị… nhằm đưa ngành hàng sen Đồng Tháp phát triển một cách bền vững.
Hợp tác phát triển cây sen
Mới đây, Hiệp hội Hợp tác Kinh tế Hàn Quốc – châu Á (KOAECA) có buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp. Tiến sĩ Lee Nam Kee, Chủ tịch Hiệp hội KOAECA, bày tỏ ấn tượng về tỉnh Đồng Tháp - địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh bậc nhất tại Việt Nam theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Tiến sĩ Lee Nam Kee càng ấn tượng hơn khi Đồng Tháp còn nổi bật với hình ảnh hoa sen và các sản phẩm chế biến từ cây sen.
Tiến sĩ Lee Nam Kee cho biết, Hiệp hội KOAECA gồm các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc, với thế mạnh về cung cấp tài chính, công nghệ, logistics, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nông - lâm – thủy - hải sản... Hiệp hội KOAECA mong muốn lựa chọn một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp để hợp tác, đặc biệt ấn tượng với cây sen.
Theo Tiến sĩ Lee Nam Kee, ngoài chế biến tươi, cây sen có thể nghiên cứu, chế biến làm dược liệu và thực phẩm chức năng cao cấp; đồng thời đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ Sen tại Đồng Tháp để nâng tầm giá trị cho cây sen.