Theo đó, hàng ngàn héc-ta lúa Thu Đông tại một số địa phương vùng Đồng Tháp Mười như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh (Long An), Tháp Mười (Đồng Tháp)... có nguy cơ bị ngập úng, hư hại.
Tại huyện Vĩnh Hưng (Long An) hiện có gần 3.900ha lúa Thu Đông trong giai đoạn đẻ nhánh. Trong khi đó, tại một số xã như Tuyên Bình, Tuyên Bình Tây... mặt nước chỉ cách bờ đê khoảng 20cm, do đó nguy cơ ngập úng, thiệt hại nặng là rất lớn.
Trước tình hình trên, những ngày qua, chính quyền, ngành chức năng và người dân huyện Vĩnh Hưng đã huy động máy móc, thiết bị kè đá, đắp đê cả ngày đêm để ngăn lũ.
Tương tự, tại huyện Tân Hưng hiện có hơn 5.800ha lúa Thu Đông, tập trung ở các xã như Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Hưng Điền B, Hưng Hà, Thạnh Hưng, Hưng Thạnh. Trong đó, 3.490ha lúa giai đoạn mạ, 975ha lúa trong giai đoạn đẻ nhánh, 1.378ha lúa trong giai đoạn đòng trổ.
Chính quyền và người dân huyện Vĩnh Hưng đang khẩn trương sửa chữa, gia cố các đoạn đê bao, bờ bao, công trình bị yếu, có nguy cơ vỡ. Đồng thời vận hành công trình thủy lợi để phòng, chống ngập lụt và bảo vệ an toàn công trình...
Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Long An khuyến cáo, tuyên truyền người dân các huyện vùng lũ sau khi kết thúc vụ Hè Thu nên cho đất nghỉ ngơi, không xuống giống vụ Thu Đông để hạn chế thiệt hại do thiên tai và các dịch bệnh gây hại phát sinh.
Đối với diện tích lúa đang phát triển, người dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi thông tin của Đài Khí tượng Thủy văn, để nắm diễn biến thời tiết và kiểm tra mực nước lũ... kịp thời ứng phó, tránh bị thiệt hại.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại một số địa phương ở Long An, tình trạng nông dân sản xuất theo thói quen, bất chấp khuyến cáo còn rất nhiều.