
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Đồng Tháp công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Thị Mỹ Phương được chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp. Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh gồm đồng chí Trần Thanh Nguyên và đồng chí Phạm Văn Chuẩn.
HĐND tỉnh cũng Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhân sự giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và các Phó Chủ tịch tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Cụ thể:
Chỉ định đồng chí Trần Trí Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp gồm các đồng chí: Trần Văn Dũng, Huỳnh Minh Tuấn và Nguyễn Thành Diệu.

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, đây là kỳ họp đầu tiên sau khi hợp nhất hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp thành tỉnh Đồng Tháp mới - Kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, bước khởi đầu mang tính bản lề trong quá trình hình thành và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Đây cũng là một trong những công việc thiết yếu để hoàn thiện tiến trình thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp đơn vị hành chính hai cấp trên địa bàn tỉnh, không chỉ là dấu mốc về mặt tổ chức hành chính, mà còn là thời cơ để toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp khẳng định quyết tâm chính trị, phát huy sức mạnh tập thể, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị lãnh đạo các sở, ngành tỉnh kiên quyết không để quá trình tổ chức lại bộ máy ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, dịch vụ hành chính công, đất đai, hộ tịch, giáo dục, y tế... Cần tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý địa phương theo hướng minh bạch, ổn định và thuận lợi cho doanh nghiệp; Xây dựng chính sách thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị lần đầu - nhất là các dự án về giáo dục, y tế, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; Hỗ trợ chi phí đào tạo nhân lực theo định hướng doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường đối thoại với nhà đầu tư, lắng nghe và giải quyết các vướng mắc thực tế, từ đó xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, bền vững và có tính đột phá thực sự…

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh: “Trong giai đoạn phát triển mới, tôi mong HĐND tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ có những đổi mới trong hoạt động, thực hiện ngày càng hiệu quả hơn chức năng cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, địa bàn trải rộng, số lượng đầu mối trực thuộc tỉnh tăng cao so với trước đây, phương thức thực hiện chức năng đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân cần được nghiên cứu điều chỉnh để phù hợp tình hình mới và nâng cao chất lượng.
Vai trò mỗi đại biểu trong tham gia thảo luận, giám sát, quyết định theo thẩm quyền cần được phát huy cao nhất với cơ chế điều hành khoa học, đổi mới. Mỗi đại biểu không chỉ là người đại diện theo hình thức, mà cần xứng đáng là người đại biểu dân cử thực sự, là nhịp cầu giữa dân và chính quyền.
Các ban HĐND tỉnh cần chủ động xây dựng chương trình hoạt động sát thực tiễn, phát huy trí tuệ tập thể, nâng cao chất lượng các quyết nghị, bảo đảm mọi chính sách đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Tăng cường các công cụ hiện đại để phân tích dữ liệu, mô hình hóa dự báo để đưa ra các kế hoạch trung và dài hạn, hạn chế điều hành theo cảm tính.
Chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh sẽ giúp bộ máy chính quyền nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân tỉnh nhà. Chuẩn bị thật tốt cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Hãy biến từng cuộc họp, từng hoạt động của HĐND tỉnh thành những cột mốc, dấu ấn quan trọng mang đầy tinh thần hành động, đổi mới trong sự phát triển của tỉnh Đồng Tháp”.