Hàng hóa nông thủy sản của vùng ĐBSCL cũng được “giải phóng” nhờ rút ngắn thời gian để kịp xuống tàu xuất khẩu ra thế giới. Đặc biệt, hệ thống giao thông của tỉnh Đồng Tháp được kết nối thông suốt với các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ, tạo thế mới để vùng đất sen hồng cất cánh.
Giao thông đã thông suốt
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, việc thông xe cầu Vàm Cống có ý nghĩa quan trọng đối với Đồng Tháp và vùng ĐBSCL. Trong đó, Đồng Tháp là một trong những địa phương được triển khai thực hiện dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, nơi có đến 2 cây cầu huyết mạch là Cao Lãnh và Vàm Cống.
Vào cuối tháng 5-2018, sau khi cầu Cao Lãnh và tuyến đường nối Cao Lãnh - Vàm Cống hoàn thành, nay đến lượt cầu Vàm Cống chính thức thông xe, hòa vào mạng lưới giao thông kết nối khu vực trung tâm đồng bằng, tạo điều kiện đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng hóa nông thủy sản cũng thuận lợi, nhanh chóng.
Có thể nói, nhiều đời nay người dân sống ven sông Hậu thuộc Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… khát khao, chờ mong một cây cầu nhằm thoát cảnh lụy phà, lụy đò; nhất là những lúc cao điểm vào lễ, tết hay cuối tuần phải chờ phà Vàm Cống nhiều giờ liền để vượt sông.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng: “Cầu Vàm Cống được thông xe đã khơi thông tuyến đường Hồ Chí Minh. Đây là cây cầu mang lại động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, nhất là các địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Từ nay, con đường qua cầu Vàm Cống đi theo quốc lộ 80 hoặc qua cầu Cao Lãnh hướng về TPHCM là nhanh nhất. Cũng từ nay, Đồng Tháp không còn chịu cảnh khuất nẻo, bị cô lập về giao thông nữa; bởi điều kiện đi lại giữa Đồng Tháp với TPHCM, miền Đông Nam bộ và các tỉnh ĐBSCL được kết nối thông suốt”. |
Cũng theo ông Thể, sau khi cầu Vàm Cống thông xe thì bộ sẽ đẩy nhanh việc thi công tuyến đường từ cầu Vàm Cống đi Rạch Sỏi (Kiên Giang) đến năm 2020 hoàn thành, nhằm nối mạch xuyên suốt cho toàn tuyến từ Rạch Giá đến TPHCM theo hướng cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh; góp phần giảm tải cho quốc lộ 1.
Cơ hội bứt phá
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan đánh giá: “Cầu Vàm Cống hoàn thành sẽ là điểm nhấn, là mốc son quan trọng tạo nên bước ngoặt cho vùng ĐBSCL chuyển mình và cất cánh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng đất còn ẩn chứa tiềm năng”. |
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, thông tin: “Du lịch của tỉnh mấy năm qua rất khởi sắc. Chỉ tính riêng trong quý 1-2019, các điểm du lịch của tỉnh đón hơn 1,35 triệu lượt khách, tăng gần 9% so cùng kỳ, doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng, tăng 7,5%. Mục tiêu phấn đấu cả năm 2019 đón khoảng 3,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch gần 1.000 tỷ đồng. Với việc cầu Vàm Cống thông xe, giúp du khách thuận lợi đến với xứ sen hồng, tỉnh kỳ vọng sự kiện này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngành du lịch bứt phá trong thời gian tới. Du lịch Đồng Tháp đang thực hiện cơ cấu theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị cao, đảm bảo cho du khách và người dân được hưởng lợi”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Rynan Agrifood, nhận xét: “Đồng Tháp là địa phương năng động, lãnh đạo sâu sát và đồng hành tốt cùng doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi mạnh dạn và an tâm khi đầu tư lâu dài ở Đồng Tháp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh đang tập trung phát triển. Thời gian qua, chúng tôi cùng các hợp tác xã và nông dân Đồng Tháp triển khai thực hiện các mô hình phân bón thông minh, ứng dụng điện toán đám mây và internet vạn vật trong quản lý, bao bì cải tiến… rất thành công. Một trong những cái khó của Đồng Tháp trước đây là giao thông cách trở; giờ đây cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống đã thông tuyến sẽ tiếp sức cho vùng đất này thay da đổi thịt nhanh hơn”.