Nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa đông xuân năm nay đạt sản lượng 1,4 triệu tấn, lợi nhuận trung bình dao động từ 28-29,5 triệu đồng/ha (tăng khoảng 8,5-9,7 triệu đồng/ha so cùng kỳ); lúa hè thu xuống giống 187.505 ha, nhưng do tác động của việc thực hiện giãn cách xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng làm cho giá lúa biến động theo xu hướng giảm, trong khi giá vật tư và chi phí nhân công lao động tăng, nên lợi nhuận chỉ đạt từ 7,4-15,7 triệu đồng/ha. Kế hoạch sản xuất vụ lúa thu đông là 119.100ha, dự kiến giá thành sản xuất tăng khoảng 165 đồng/kg so cùng kỳ do vật tư tăng.
cần sớm khôi phục, mở rộng sản xuất
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho hay, từ đầu năm đến nay diện tích thả nuôi thủy sản là 4.285ha, giảm 10,6%, tổng sản lượng 287.974 tấn, giảm 18,6% so với cùng kỳ. Gần đây, nguồn cung cá tra cho xuất khẩu đang cao hơn nhu cầu chế biến, bởi nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc giảm công suất do áp dụng giãn cách. Một vài hộ nuôi không có liên kết với các công ty thì không tiêu thụ được, sản lượng khoảng 3.500 tấn. Do nhu cầu tiêu thụ giảm, khiến giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp; trong khi giá thức ăn thủy sản liên tục tăng (từ 1.400-2.200 đồng/kg) đã làm tăng chi phí sản xuất nên người nuôi chưa mạnh dạn thả nuôi lại, hoặc chỉ thả nuôi cầm chừng.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, Đồng Tháp thành lập mới 3 HTX (toàn tỉnh có 178 HTX nông nghiệp); thành lập mới 2 hội quán (toàn tỉnh có 112 hội quán). Ngoài ra còn có hơn 1.000 tổ hợp tác, có 161 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3-4 sao. Đến nay, Đồng Tháp có 97/115 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 95% so kế hoạch năm 2021). Có 4 huyện được công nhận hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 67% so kế hoạch năm 2021); huyện Cao Lãnh đang hoàn chỉnh hồ sơ, trình Bộ NN-PTNT. Tỉnh đang phối hợp với Trường Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân tại Đồng Tháp”…
Giải pháp phục hồi kinh tế
Đồng Tháp đang khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, xúc tiến đầu tư trong tình hình mới. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế” thì cần triển khai nhanh chiến lược tiêm vaccine toàn dân trên địa bàn, tạo điều kiện các doanh nghiệp chủ lực tiếp cận sớm. Luôn sẵn sàng chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ của dịch bệnh. Bám sát cơ sở, linh hoạt chỉ đạo, sẵn sàng áp dụng các kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế phù hợp từng điều kiện; chuyển phương châm sống chung có kiểm soát với dịch Covid-19, áp dụng linh hoạt, cho phép hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại có điều kiện tại các vùng xanh; chia lộ trình từng bước phục hồi hoạt động, tăng dần tỷ lệ hoạt động từ thấp đến cao.
Cụ thể, nếu tình hình dịch vẫn chưa kiểm soát được tại một số khu vực, cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 tại một số địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT thực hiện kế hoạch sản xuất vụ thu đông 2021 thích ứng với điều kiện thời tiết, phù hợp với thị trường và thực tế của từng khu vực; mở rộng diện tích sản xuất rau màu, hoa kiểng, đảm bảo diện tích cây ăn trái. Rà soát sản lượng nông sản trên địa bàn, sản lượng dự kiến theo từng thời điểm, tiêu chuẩn chất lượng, nhu cầu kết nối tiêu thụ; khẩn trương hỗ trợ thu hoạch nhanh diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái đến kỳ thu hoạch. Phối hợp với Sở Công thương liên kết tiêu thụ nông sản các tháng cuối năm 2021. Sở Công thương tìm hướng tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng dần số lượng hoạt động từ 150-300 doanh nghiệp theo phương án 4 tại chỗ, tăng công suất nhà máy từ 50%-65%. Tạo điều kiện có ít nhất 90% trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ trong các vùng xanh mở lại sau thời gian tạm đóng cửa…
Khi tình hình dịch được kiểm soát tốt, kết thúc thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh sớm vào quý 3-2021. Trong quý 4-2021, các hoạt động ở trạng thái bình thường mới, áp dụng linh hoạt Chỉ thị 15 tại một số địa phương, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương nghiên cứu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tăng công suất hoạt động lên 80% so với điều kiện bình thường tại doanh nghiệp 4 tại chỗ. Tạo điều kiện hoạt động trở lại 100% doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản và chế biến lương thực xuất khẩu. 100% trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống mở lại sau thời gian tạm thời đóng cửa. Hỗ trợ 14 dự án mới đưa vào hoạt động nhanh chóng ổn định sản xuất, gia tăng công suất; Trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đầu tư; củng cố, kết nối lại các đơn hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực. Tập trung triển khai các dự án, chương trình hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, tổ chức FAO, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác....
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở ban ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ, giải pháp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực phụ trách; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; đảm bảo đạt chỉ tiêu, sản lượng của ngành… nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của tỉnh. |