Đồng Tháp: Khẩn trương hoàn thiện khu ấp trứng sếu đầu đỏ

Sau khi 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên được chuyển đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn thuộc chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn sếu đầu đỏ, ngày 12-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ (giai đoạn 2) tại khu A3, Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).

Chuồng nuôi sếu bán hoang dã tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)
Chuồng nuôi sếu bán hoang dã tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)

Ông Tuấn yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện trước ngày 18-4. Trong đó, hoàn thiện hệ thống chuồng nuôi sếu đầu đỏ với diện tích 280m2; khu ấp trứng; hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cây xanh, thảm cỏ, đường nội bộ...

Sếu đàu đỏ.jpg
Sếu đầu đỏ
KHU NUÔI SẾU 1.jpg
Khu cho sếu sinh sản

Trước đó, tối 10-4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên được đưa từ Thái Lan về Việt Nam bằng đường hàng không. Các cá thể sếu này được chuyển đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn để cách ly theo quy định về kiểm dịch động vật hoang dã, sau đó sẽ chuyển về Vườn Quốc gia Tràm Chim để thực hiện công tác bảo tồn. Số cá thể sếu này khoảng 7 tháng tuổi, được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima (Thái Lan) gồm: 3 con trống, 3 con mái; mỗi con nặng từ 5-6kg, cao khoảng 1,5m.

Việc đưa sếu về Việt Nam đánh dấu mốc quan trọng trong Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn sếu đầu đỏ. Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp công bố Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, giai đoạn 2022-2032. Trong 10 năm, dự kiến nuôi và thả 100 cá thể sếu, đảm bảo tối thiểu 50 cá thể sống sót, có khả năng tự sinh sản và sinh sống quanh năm tại đây.

Tin cùng chuyên mục