Theo đó, năm 2022, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu có ít nhất 50 sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Để hoàn thành mục tiêu trên, Đồng Tháp tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần chuyển dịch kinh tế, nâng cao đời sống người dân; bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng Tháp cũng yêu cầu các cán bộ quản lý chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn và kinh doanh.
Cũng trong năm 2022, tỉnh tiếp tục chuẩn hóa 4 sản phẩm đã gửi hồ sơ dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia (gồm hạt sen sấy, mít sấy, bánh phồng chay cao cấp hạt sen và xoài sấy dẻo) đủ điều kiện công nhận sản phẩm 5 sao OCOP. Phấn đấu có ít nhất 50% sản phẩm OCOP được chứng nhận vào năm 2019 tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng lại trong năm 2022; có ít nhất 5 sản phẩm được chứng nhận năm 2020 - 2021 được chuẩn hóa nâng hạng lên 4 sao và tiềm năng là 5 sao. Ngoài ra, triển khai thực hiện 2 mô hình chỉ đạo điểm (gồm dự án làng văn hóa Sa Đéc; dự án các sản phẩm từ sen huyện Tháp Mười); đồng thời xây dựng dự án phát triển sản phẩm xoài chế biến ở Cao Lãnh…