Người nuôi đã có lãi
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, cá tra là một trong những ngành hàng chủ lực mà tỉnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, vì vậy rất được quan tâm đầu tư phát triển và đạt được một số kết quả khả quan.
Theo đó, ngành hàng cá tra của tỉnh được sản xuất khép kín theo chuỗi, với các vùng nuôi tập trung quy mô lớn, nhờ đó chủ động cung ứng nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến, xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao.
Thống kê cho thấy, ước giá trị sản xuất ngành thủy sản của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5.189 tỷ đồng, tăng 7,45% so cùng kỳ (tương ứng tăng 359 tỷ đồng). Nếu chỉ tính riêng cá tra đạt khoảng 3.423 tỷ đồng (tăng 323 tỷ đồng so cùng kỳ).
Cụ thể, diện tích nuôi cá tra ở các huyện, thành phố đạt khoảng 1.700ha, tăng 9,1% so cùng kỳ (tương ứng tăng 142ha), bằng 111,2% kế hoạch 6 tháng đầu năm, chiếm 77,3% kế hoạch năm; giá thành sản xuất cá tra là 24.399 đồng/kg (tăng 2.404 đồng/kg so cùng kỳ), giá bán cá tra bình quân là 28.300 đồng/kg (tăng 7.333 đồng/kg so cùng kỳ), lợi nhuận cá tra đạt 1,6 tỷ đồng/ha. Đây là tín hiệu tích cực.
Đầu tư mạnh cho con giống
Mặt được là vậy, song ngành hàng cá tra của tỉnh đang đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình phát triển, từ chất lượng con giống có biểu hiện suy giảm; liên kết chuỗi còn lỏng lẻo, giá cá biến động liên tục, thiếu thông tin định hướng thị trường, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, sức ép về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các rào cản thương mại, các yêu cầu kỹ thuật của thị trường ở các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn; hệ thống phân phối tiêu thụ, logistic còn nhiều hạn chế… là những thách thức đối với sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tới đây tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra đến năm 2025, trong đó tập trung phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, dựa trên việc áp dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, công nghệ trong quản lý và điều hành sản xuất “giảm giá thành - nâng chất lượng - liên kết chuỗi - thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về quản lý quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường. Triển khai thực hiện đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, nhằm cung cấp nguồn con giống có chất lượng phục vụ cho nuôi cá thương phẩm.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Tuấn, hàng năm địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, cấy giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Mặt khác, từ nguồn kinh phí đề án tái cơ cấu ngành hàng, tiến hành thu mẫu cá tra (cá hương và giống) của các cơ sở sản xuất giống để giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung… Các thông tin quan trắc môi trường được đăng lên Website của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp và đưa ra khuyến cáo về môi trường cho người nuôi.
Về lâu dài, tỉnh sẽ từng bước thay thế đàn cá bố mẹ địa phương bằng đàn cá tra giống ngoài ưu thế tăng trưởng nhanh, tỷ lệ philê… còn có khả năng kháng bệnh cao. Phổ biến quy trình sản xuất giống chất lượng cao, đảm bảo an toàn sinh học và không gây ô nhiễm môi trường đến các cơ sở ương dưỡng, cơ sở sản xuất bột.
Tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, ưu tiên hỗ trợ triển khai thực hiện đầu tư dự án liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao; tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ, bổ sung thay thế dần đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, để phân bổ cho các cơ sở sản xuất giống cá tra 3 cấp của tỉnh trong năm 2022 và giai đoạn đến năm 2025.
Đồng thời, đẩy nhanh việc ứng dụng vaccine dạng ngâm đối với các bệnh gan thận mũ và xuất huyết trên cá tra; ban hành chương trình kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học đối với sản xuất giống cá tra; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn về thực hiện công bố hợp quy đối với cơ sở sản xuất giống.
Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao…