Ngoại giao sôi động
Hãng Reuters nhận định, chuyến thăm Việt Nam trong 2 ngày 29 và 30-1 của Tổng thống Phillipines Ferdinand Marcos Jr. được dư luận quốc tế quan tâm. Trong chuyến thăm, ông Ferdinand Marcos Jr. đã hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Hai bên đã ký một số văn kiện hợp tác. Ví dụ, Việt Nam cam kết thực hiện Hiệp định thương mại gạo 5 năm với Philippines. Theo đó, Việt Nam cam kết cung cấp gạo trắng cho khu vực tư nhân Philippines, từ 1,5 - 2 triệu tấn gạo mỗi năm “trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đại dịch và các diễn biến bên ngoài khác”.
Philippines cũng đang nỗ lực tăng cường trao đổi thông tin tình báo với Việt Nam nhằm ngăn chặn khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Thông tấn xã quốc gia Philippines PNA viết "hai bên trao đổi quan điểm và thiết lập sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, nhất là liên quan đến xây dựng năng lực và bảo vệ dữ liệu và tài sản kỹ thuật số…".
Đáng chú ý, các văn kiện quan trọng nhất, thu hút truyền thông phương Đông và phương Tây, trở thành nội dung chính của chuyến thăm. Theo Reuters, đó là hai bản ghi nhớ liên quan đến hợp tác ở Biển Đông.
Văn kiện đầu tiên là bản ghi nhớ Việt Nam - Philippines về phòng ngừa và quản lý sự cố trên Biển Đông, trong đó cả hai bên đồng ý tăng cường nỗ lực nhằm “xây dựng lòng tin, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại và các hoạt động chung”.
Văn kiện thứ hai là biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển, kể cả trong việc xây dựng năng lực, đào tạo và trao đổi nhân sự và tàu để cải thiện khả năng tiến hành các hoạt động chung, bao gồm cả việc thiết lập cơ chế liên lạc đường dây nóng giữa hai lực lượng.
Kênh truyền hình Al Jazeera dẫn lại lời khẳng định của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. rằng Việt Nam là “đối tác chiến lược duy nhất của Philippines” ở Đông Nam Á và nhấn mạnh hợp tác hàng hải là nền tảng của mối quan hệ đó.
Trước đó, trong 2 ngày 23 và 24-1, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng đã tới thăm Việt Nam. Theo hãng Reuters, nguyên thủ quốc gia Đức được tháp tùng bởi một phái đoàn doanh nghiệp lớn của Đức, trong bối cảnh Berlin đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Đức tới Việt Nam, các bên đã ký biên bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TB &XH Việt Nam với Bộ Lao động và Xã hội liên bang của Đức trong lĩnh vực lao động-việc làm, hướng cụ thể là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa lao động Việt Nam có tay nghề sang Đức.
Cổng thông tin Nga Grazhdanskiye sily nhận định, Hà Nội đang trở thành lực lượng chính trị quan trọng mới ở Đông Nam Á, có ảnh hưởng đến những tiến trình diễn ra trong khuôn khổ ASEAN cũng như cán cân quyền lực ở khu vực nói chung. Chính vì thế, Berlin, Washington và Bắc Kinh đang đua tranh để thiết lập quan hệ đối tác với Hà Nội. Hãng tin Sputnik kết luận rằng, Đông, Tây đều cần đến Việt Nam.
Kinh tế phát triển
Không chỉ có lĩnh vực chính trị, ngoại giao, những chuyển động liên quan đến lĩnh vực kinh tế, du lịch của Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Báo cáo Triển vọng thường niên năm 2024 của tổ chức tư vấn chính sách Asia House (Anh), công bố hồi cuối tháng 1 vừa qua, nhận định nền kinh tế Việt Nam có khả năng tiếp tục phát triển vượt trội so với các nước láng giềng trong khu vực vào năm 2024; các ngành sản xuất và xuất khẩu thu hút đáng kể đầu tư nước ngoài nhờ độ mở và các điểm mạnh cơ bản của nền kinh tế. Báo cáo cũng đánh giá, Việt Nam có môi trường khởi nghiệp công nghệ phát triển mạnh và đầu tư công đáng kể vào trí tuệ nhân tạo (AI) với chương trình chuyển đổi số nhằm đưa các công ty công nghệ trong nước trở thành những công ty toàn cầu.
Các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ là yếu tố then chốt trong năm 2024 và những năm tiếp theo ở Việt Nam. Trang Offshore Energy công bố về việc thành lập liên doanh giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam, cùng nghiên cứu, xây dựng và vận hành trạm nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nổi và nhà máy điện chạy bằng khí tự nhiên ở tỉnh Thái Bình.
Trong khi đó, trang ETTelecom có bài viết nói về việc Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất đầy cạnh tranh khi dựa sở hữu nguồn dự trữ đất hiếm lớn. Bằng cách thu hút các công ty xử lý nguyên tố đất hiếm thành linh kiện điện tử, quốc gia Đông Nam Á có thể xây dựng một nền kinh tế dựa trên cơ sở tri thức, có khả năng phục hồi và bền vững hơn nhiều trước những biến đổi về công lao động. Có 15 công ty Mỹ, kể cả các công ty bán dẫn, đã bày tỏ sự quan tâm dành cho Việt Nam với khoản đầu tư 8 tỷ USD với điều kiện Việt Nam phải theo đuổi phát triển năng lượng tái tạo.
Còn cổng thông tin Aviation Explorer của Nga đăng tải thông tin về lĩnh vực hàng không khi cho biết công ty Hàn Quốc KP Aero Industries, nhà cung cấp cho hãng hàng không vũ trụ Boeing của Mỹ, sẽ rót vốn 20 triệu USD vào việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam để sản xuất linh kiện dành cho máy bay Boeing 787 và 737 Max.
Về lĩnh vực du lịch, trang GGR Asia viết Việt Nam có kế hoạch thu hút 17 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm 2024. Đất nước này đã đón 12,6 triệu du khách nước ngoài trong năm 2023, tăng 244,2% so với năm trước. Yahoo Finance thì cho hay, với hàng loạt sự kiện quốc tế tầm cỡ, bao gồm lễ hội âm nhạc 8Wonder và giải golf Vinpeal DIC Legends Việt Nam 2023, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về tăng trưởng du lịch trải nghiệm.