Ngày 3-4, ông Trần Trung Khánh, Phụ trách tổ quản lý nước và công trình chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam - đơn vị quản lý vận hành và khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé cho biết, hiện nồng độ mặn 1‰ đã xâm nhập sâu khoảng 45km đến cầu Cái Tư (địa phận giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang) nên có thời điểm đơn vị phải đóng toàn bộ 11 cửa van cống để ngăn mặn.
Sau đó, tùy diễn biến độ mặn và tình hình thủy triều, đơn vị sẽ đóng, mở số lượng cửa van hợp lý để vừa có thể ngăn ngừa hạn mặn, vừa phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp đồng thời giúp phương tiện thủy giao thông dễ dàng.
“Việc mở cửa van vào thời điểm hợp lý sẽ rút nồng độ mặn ra biển và tạo dòng chảy môi trường, hạn chế ô nhiễm”, ông Khánh cho biết thêm.
Còn tại cống Cái Bé, trường hợp độ mặn quan trắc được tại trạm Trâm Bầu (phía thượng nguồn) vượt qua 3‰, đơn vị vận hành sẽ phối hợp với các chính quyền, các đơn vị chuyên môn để có đánh giá, điều chỉnh hợp lý việc đóng, mở các cửa van.
Trước đó, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III có thông báo về việc hạn chế giao thông đường thủy trên sông Cái Lớn và Cái Bé. Theo đó, để phục vụ cho việc vận hành cụm cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô, thực hiện đóng các cửa cống và phân luồng, điều tiết hướng dẫn phương tiện thủy lưu thông qua Âu thuyền cống Cái Lớn và cống Cái Bé. Kể từ ngày 2 đến 4-4, giao thông đường thủy nội địa tại khu vực cống Cái Lớn trên sông Cái Lớn và cống Cái Bé trên sông Cái Bé bị hạn chế.
Mức độ hạn chế là đóng tất cả cửa cống hoàn toàn, phương tiện thủy không được lưu thông qua các cửa cống, chỉ được lưu thông qua khu vực cống Cái Lớn và cống Cái Bé bằng cửa âu thuyền.