Đến dự có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Nguyên Chủ tịch nước; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GT-VT, lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Long An cùng đông đảo doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL, TPHCM…
Cảng quốc tế Long An có diện tích 147 ha, chiều dài thủy diện 2,6 km, bao gồm 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT, với tổng chiều dài từ đầu Cầu cảng số 1 đến cuối Cầu cảng số 7 là 1.670m. Đến nay, chủ đầu tư đã xây dựng hoàn thành ba cầu cảng với chiều dài 630 m. Cuối năm 2019, trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác, Cảng quốc tế Long An đã đón gần 1.000 chuyến tàu trong và ngoài nước ra vào cảng, đạt gần 1 triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng. Hiện cảng tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng 50.000 DWT. Năm 2020, Cảng quốc tế Long An tiếp tục xây dựng cầu cảng số 4, số 5, kỳ vọng đưa vào khai thác trong năm 2021. |
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm Group cho biết, mặc dù doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện dự án giai đoạn 1, trong điều kiện hạ tầng giao thông không thuận lợi, tuy nhiên, khi đi vào vận hành, Cảng quốc tế Long An đã và đang thay đổi đáng kể tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Vùng hạ đang thực sự chuyển mình. Với lợi thế đường liền đường, sông liền sông, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư. Về vị trí địa lý, Cảng quốc tế Long An nằm trên luồng sông Soài Rạp, mé phải thượng nguồn sông Đồng Nai, cách cửa Biển Đông 20 km, cách Cảng Hiệp Phước 10 km đường sông. Về đường bộ, cảng cách trung tâm TPHCM gần 40 km theo Quốc lộ 50.
Theo Đồng Tâm Group, Khu vực ĐBSCL có nhiều kênh, rạch nên việc vận chuyển bằng đường thủy là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Long An đang được kỳ vọng sẽ là một trong những điểm đến khi TPHCM có chủ trương chuyển các nhà máy vào các Khu công nghiệp thuộc các tỉnh lân cận và di dời một số cảng ra khỏi trung tâm thành phố. Cảng Long An và Cảng TPHCM, cùng với Cảng Cái Mép và Cảng Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ tạo nên hệ thống Cảng hỗ trợ lẫn nhau.
Cảng quốc tế Long An bao gồm 7 bến xà-lan, hệ thống nhà kho, kho ngoại quan, hệ thống bãi container và các công trình phụ trợ khác… Tất cả hạng mục cũng như hệ thống các trung tâm điều hành đang được xây dựng theo tiến độ hoàn thành vào năm 2023. Diện tích kho phục vụ lưu trữ tại cảng là hơn 400.000 m², phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng nông thủy sản, phân bón, sắt thép… của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam bộ, tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.
Với tiềm năng của cảng, chủ đầu tư cho biết đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý nhằm mở rộng quy mô dự án. Theo đó, các cầu cảng số 8 và 9 có thể đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT, nâng tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368 m, công suất hàng hóa thông quan đạt khoảng 80 triệu tấn/năm.