Dòng sông vẫn ngân vang khúc hát

Khác với mọi năm, năm nay mưa sớm. Sông Đáy mùa nước cạn thắt lại, gầy mảnh mà bây giờ nước duềnh lên, đẩy đôi bờ hút xa.

Dòng sông vẫn ngân vang khúc hát

Sau bữa cơm chiều ăn sớm, tôi khoác áo mưa đi ra sông thay bè vó cho ông Tường. Hàng năm vào tháng Bảy, tôi đều nghỉ phép vào mùa nước. Tôi và ông Tường đóng chung một cái bè vó ở gần cống sông. Tôi làm bè vó không phải để kiếm tiền. Đấy là thú chơi của tôi. Thật thú biết bao khi được ngồi trong chiếc lều nhỏ trên một chiếc sạp tre, với một cái điếu cày, một ấm chè đặc ủ trong giỏ và ngoài trời mưa rỉ rả suốt đêm. Và cứ mươi phút tôi và ông Tường thay nhau kéo vó. Sớm hôm sau tôi tháo chiếc giỏ cói dưới đáy vó, trút cá ra và mang đi chợ phiên hoặc vào đình làng bán. Chúng tôi chia ca kéo đêm, nhưng thường là cả hai cùng thức, vừa kéo vó, vừa nói đủ thứ chuyện chẳng ra đầu đuôi gì cả.

Thấy tôi lò dò ra lều, ông Tường hỏi:

- Sớm thế chú mày? Cơm nước gì chưa?

- Cháu ăn rồi, ông ạ.

- Đêm nay uống rượu nhé - Ông Tường nói - Lão vừa kéo được con chép khá lắm.

Khoảng mười giờ đêm, cuộc rượu của chúng tôi mới bắt đầu. Và khi đưa đến chén thứ ba vào bụng tôi đã thấy cái lều bồng bềnh.

- Ông này, người ta nói sông làng mình có ma. Họ nói những đêm mưa thường có một con đò lượn lờ giữa sông.

- Có con đò như thế, nhưng không phải ma - Ông Tường bỗng trầm ngâm. Ngoài lều mưa vẫn rả rích như chẳng bao giờ ngơi - Mùa nước năm nào mà lão chẳng đóng bè vó. Lão có thấy chiếc đò đó đôi lần. Không nhìn thấy nhưng nghe tiếng âm i mà sợ són đái, nhưng sau thì hết sợ. Tiếng âm i ấy buồn lắm, có lẽ đó là hồn người chết thuở xưa. Cứ tạnh mưa thì con đò và tiếng âm i biến mất.

Tôi ngồi im lặng nhìn ra dòng sông. Trời tối mịt và mưa tầm tã. Ông Tường cũng ngồi im lặng. Một lát sau ông ngả lưng xuống và nói:

- Lão nghỉ một tí, chú mày kéo thay lão đến canh ba.

- Ông cứ nghỉ đi - Tôi nói và vặn nhỏ ngọn đèn.

Bỗng gió lùa vào lều làm ngọn đèn phụt tắt. Bóng tối trùm kín. Trong bóng tối mênh mang và tiếng mưa triền miên vỗ trên mặt sông, tôi lại nghĩ đến chiếc đò mà ông Tường kể cho tôi. Tôi co mình trong tấm chăn mỏng. Đâu đấy có tiếng cá quẫy trong dòng nước chảy xiết. Cuối canh hai, tôi nghe thấy có tiếng mái chèo quậy nước và cả tiếng âm i. Và giữa dòng sông chợt hiện lên một con đò. Trời tối lắm, tôi khó nhận ra những vật ở gần nhưng lại nhìn thấy rõ con đò từ xa. Hay câu chuyện của người làng kể ám ảnh trong tâm trí tôi. Một chàng trai chui ra khỏi mui đò. Anh đẹp lắm, vẻ đẹp của một người sông nước. Anh nhìn tôi nhoẻn cười và hỏi.

- Anh bạn kéo vó à? Có điếu thuốc nào không? Thuốc tớ ướt nhèm cả rồi.

- Tôi có thuốc lào thôi.

- Còn gì hơn thuốc lào.

Tôi đưa điếu cày và thuốc cho anh. Anh bỏ thuốc và lấy bùi nhùi thổi lửa. Gió thổi mạnh thế mà ngọn lửa trong tay anh cháy như không. Hút xong anh đưa điếu cho tôi và nói.

- Cảm ơn anh bạn. Anh bạn người làng này hả?

- Vâng. Thế anh ở đâu nhỉ? - Tôi hỏi anh và nhìn anh nghi ngờ.

- Sông đâu thì quê tớ đấy. Cậu không tin chứ gì, không quan trọng.

Anh nhoẻn cười nhìn tôi rồi cất giọng khẽ hát. Ôi, tiếng hát lạ lùng làm sao. Tôi quên ngay mọi sự nghi ngờ về anh. Tôi thấy người mình nhẹ bẫng. Chiếc lều vó cứ bồng bềnh như trôi qua khỏi bờ. Bất chợt anh ngừng hát, lắc đầu thở dài. Mãi lâu sau tôi mới tỉnh khỏi cơn mê vì giọng hát của anh.

- Anh tên là gì? - Tôi hỏi.

- Tôi tên Chi họ Trương, người đời gọi là Trương Chi.

- Trương Chi, Trương Chi - Tôi cười khẩy - Anh cũng là người hay tếu.

- Cậu không tin thì thôi.

Anh nói buồn buồn và thở dài. Chợt trong tôi vọng về tiếng hát ru của bà tôi thuở xưa. Bà tôi quấn khăn mỏ quạ, suốt ngày nhai trầu hát ru tôi bằng câu hát: “Ngày xưa có anh Trương Chi, người thì thậm xấu hát thì thậm hay”. Khi chúng tôi đã lớn, bà tôi vẫn hát câu hát ấy. Có lần tôi hỏi bà: “Bà yêu anh Trương Chi à?”. Bà tôi mắng yêu: “Tổ bố mày, chứ anh Trương Chi còn đẻ trước bà mấy đời. Ngày xưa cụ kỵ chúng mày đã hát Trương Chi rồi. Người đâu mà ngoan mà giỏi thế, chỉ khổ cái là xấu người”.

- Anh nói dối vừa chứ - Tôi cảm thấy khó chịu - Trương Chi, ông ấy chết từ vạn đời nay rồi.

- Đúng thế, chúng nó giết tôi, cắt lưỡi tôi để không hát được nữa. Nhưng chúng quên không móc trái tim tôi. Bởi vậy tôi vẫn còn sống đến bây giờ.

- Nhưng anh còn quá trẻ.

- Cậu hỏi cũng phải đấy. Nhưng chuyện thế này, ngày xưa ông tôi cũng làm nghề chài lưới. Một hôm ông thả lưới vớt cái lọ vàng. Lời đồn đến tai quan. Quan đến đòi thu lại cái lọ. Ông tôi phải nộp cho quan. Quan cầm cái lọ dốc ngược để đổ chút nước sông còn đọng trong lọ ra. Từ trong lọ một con hến trắng rơi xuống cát. Ông tôi nhặt con hến trắng bỏ vào cái chậu sành. Đêm đêm, khi ông tôi đi ngủ thì con hến trắng từ từ mở miệng và hát. Ông tôi thuộc câu hát ấy, truyền lại cho bố tôi. Ai thuộc được câu hát thì trẻ mãi.

- Nhưng người ta bảo anh xấu xí lắm cơ mà?

Nghe tôi hỏi anh cười phá lên. Một lát sau anh chậm rãi nói:

- Bọn quan lại ghét tôi nên nói xấu tôi như thế. Tôi sống ở trên sông nên ít người biết mặt. Chúng tuyên truyền mãi, mọi người cũng dần dần tin theo.

Mưa rơi từ từ lúc nào không biết. Bỗng anh giật mình kêu:

- Tạnh mưa mất rồi. Tôi đi đây, hẹn gặp lại nhé.

Anh nói xong vội vã bơi thuyền ra sông, từ từ biến mất. Tôi hoảng hốt quờ tay làm đổ chiếc điếu cày trong góc lều. Ông Tường tỉnh giấc hỏi:

- Buồn ngủ hả? Để lão dậy thay cho.

- Không, không, ông cứ ngủ đi - Tôi lắp bắp - Cháu tìm cái bật lửa.

- Ờ ờ, lúc nào buồn ngủ thì gọi lão.

Tôi hút liên tục ba điếu thuốc lào như để xua đi những hình ảnh mộng mị vừa rồi. Nhưng đầu óc cứ vảng vất lạ thường. Trời lại mưa, tiếng mưa dàn dạt trên sông. Chiếc đò có tiếng âm i hiện ra, và lặng lẽ bơi về phía tôi.

- Năm nay mưa gió thế này thì mùa màng lại thất bát. Này, mấy đêm vừa rồi quan phủ có việc gì mà thúc trống ghê thế?

- Bây giờ làm gì có quan phủ - Tôi trả lời anh - Đấy là trống canh đê của ban chống lụt. Anh buộc thuyền lên bè uống nước.

Buộc thuyền xong, anh leo lên bè vó. Tôi thấy anh đội nón chóp và chân quấn xà cạp, liền hỏi:

- Bây giờ mà anh vẫn ăn mặc kiểu này à? Cứ như lính lệ ngày xưa ấy.

- Tôi là lính đấy chứ. Dẹp xong giặc, tôi về tiếp tục làm nghề chài lưới.

Năm mười tám tuổi, Trương Chi đi lính. Anh chỉ huy một đội quân thủy và góp nhiều chiến tích đánh bại giặc ngoại xâm. Hết giặc giã, anh trở về con sông quê sống bằng nghề chài lưới. Những đêm có trăng, anh thường gác chèo cho thuyền trôi theo dòng và cất tiếng hát. Những ngọn gió sông như những nàng tiên cánh mỏng mang câu hát của anh đi mãi. Và những ngọn gió sông mang tiếng hát của anh vào phòng Mị Nương. Gặp câu hát Trương Chi, tuổi dậy thì của Mị Nương bừng dậy như một ngọn lửa. Đêm đêm, nghe giọng hát, nàng không sao ngủ được. Trái tim nàng canh cánh lo âu và phập phồng hạnh phúc. Rồi nàng đem lòng yêu người có giọng hát. Nhưng ngày tháng cứ trôi đi, nàng thuộc lòng từng câu hát mà không thấy mặt người. Và thế là nàng bỏ ăn, bỏ uống, mắt phượng mày ngài ủ rũ. Nàng bỏ cả những thú chơi trong dinh quan thừa tướng. Suốt ngày đêm nàng nằm trong phòng gấm mà tưởng nhớ người có giọng hát kia. Quan thừa tướng lệnh cho người hầu đi khắp nơi tìm thầy thuốc giỏi về cứu chữa cho nàng. Nhưng tất cả thầy cao thuốc mạnh đều vô hiệu.

Đến một ngày kia, sức khỏe và tinh thần của Mị Nương sụp hẳn xuống, chỉ còn cách cái chết một phân. Vào một đêm, Mị Nương gọi người hầu nữ vào và nói:

- Ta có một việc nhờ em. Nếu em không giúp được thì ta không sống nổi. Em có nghe thấy tiếng hát những đêm trăng từ sông vẳng tới không? Ta nghe người con trai có giọng hát đó, ta mong được nhìn thấy mặt người ấy và sau đó chết cũng cam lòng. Đêm nay, em trốn ra khỏi dinh tìm người ấy cho ta và nói rõ lòng ta thương nhớ chàng mà sinh đau ốm.

Đêm ấy, người hầu nữ bí mật ra khỏi dinh đi tìm người có giọng hát trên sông. Người hầu nữ gặp Trương Chi, kể cho chàng nghe sự tình và mời chàng vào dinh để gặp Mị Nương. Trương Chi một mực từ chối. Người hầu nữ khóc lóc và nói:

- Dẫu cô nương tôi chưa nhìn thấy mặt chàng, nhưng đã đem lòng yêu khôn xiết mà sinh bệnh nặng. Nếu chàng không đến gặp cô nương tôi, cô nương tôi chết mất, chàng ơi.

Nói xong, người hầu nữ lấy chiếc trâm vàng đưa cho Trương Chi và nói:

- Chàng cầm lấy vật này làm tin. Cô nương tôi dặn gửi cho chàng.

Trương Chi đón lấy chiếc trâm vàng, lòng cảm động khôn tả. Rồi gạt mọi do dự, áy náy, chàng vội vã lên bờ theo người hầu nữ về dinh. Lợi dụng đêm tối, người hầu nữ dẫn Trương Chi tắt đường đến dinh Mị Nương.

Khi nhìn thấy Trương Chi, Mị Nương sững sờ:

- Chàng, có phải chàng đấy không? Em đợi chàng lâu quá.

- Xin cô nương tha thứ cho kẻ quê mùa dám đặt chân đến chốn thềm hoa - Trương Chi cúi đầu nói.

- Chàng đừng nói vậy mà tan nát lòng em. Em đã nghe tiếng hát của chàng. Bây giờ em không thể thiếu tiếng hát của chàng được nữa.

- Có gì đâu, những đêm trăng cô nương cứ ra lầu, tôi chèo đò đến khúc sông này và hát cho cô nương nghe.

- Nhưng em yêu chàng. Em muốn chàng...

Nói đến đó Mị Nương òa khóc.

- Xin đa tạ cô nương. Có lẽ cô nương nên nghỉ ngơi thuốc thang cho khỏi bệnh.

- Em không có bệnh gì cả. Em chỉ nhớ thương chàng mà vậy thôi.

- Xin cô nương tỉnh lại. Tôi là kẻ chài lưới đâu dám làm điều của người quyền danh. Tôi đã phạm tội lớn là đặt chân đến đây. Bây giờ muộn rồi, xin cô nương cho tôi trở lại với con đò và dòng sông của tôi.

Mị Nương nghe nói vậy lại òa khóc rất to. Hồi lâu, nàng lau nước mắt và nói:

- Lúc này em không thể giữ chàng được. Nhưng nếu mai này có trát quan cha cho gọi chàng vào dinh thì chàng đừng sợ gì. Em đợi chàng.

Sau đó dăm ngày, có lính mang trát gọi Trương Chi vào dinh. Quan thừa tướng cầm gậy son chỉ vào chàng và hỏi:

- Anh hát hay lắm có phải không?

- Thưa quan, tôi là kẻ làm nghề chài lưới, biết vọc vạch vài câu hát của cha ông để lại, đêm buồn thì mang ra hát.

- Con gái ta là Mị Nương đang bệnh, muốn nghe hát. Trong dinh ta không thiếu gì bọn hát xướng và làm trò vui, nhưng con gái ta muốn nghe tiếng hát của kẻ lang thang như ngươi, nên ta gọi ngươi vào dinh hát cho con gái ta nghe. Người làm con gái ta vui, ta thưởng. Nếu trái lệnh ta chém đầu.

Lính hầu đưa Trương Chi vào một căn phòng rộng được ngăn đôi bằng những tấm trướng lớn. Phần trong phía sau tấm trướng là nơi Mị Nương ngồi để nghe hát cùng vài ba người hầu nữ. Nhưng Trương Chi không hát được một câu. Suốt hai ngày bọn hầu cận quan thừa tướng hết mang vàng bạc, châu báu ra dụ dỗ lại đến dọa chém đầu chàng, nhưng Trương Chi cũng không mở miệng hát lấy một câu. Cuối cùng chàng nói với quan thừa tướng.

- Tôi không tham vàng bạc cũng không sợ cái chết, chỉ vì không có dòng sông, không có con đò và những ngọn gió của bờ bãi, tôi không làm sao hát được.

- Vậy thì hãy về với sông, với đò của ngươi - Quan thừa tướng nhếch mép cười và nói - Nhưng ta cấm ngươi đến hát ở khúc sông này.

ab9f69a1-6316-464f-adee-c821dd032bb8-4463.jfif

Rồi lính hầu đuổi chàng ra khỏi dinh. Trương Chi lại trở về với con đò và dòng sông quê hương chàng. Đêm đêm, chàng lại gác chèo, ngồi tựa mạn đò và cất giọng hát. Những ngọn gió sông như những nàng tiên lại mang những câu hát của chàng đi khắp nơi và đến với Mị Nương. Nghe tiếng hát mà không gặp người hát, nàng càng héo hon, mòn mỏi. Quan thừa tướng lo lắng và nguyền rủa lũ thầy thuốc ngu dốt mà tham lam. Một hôm quan thừa tướng vào và hỏi Mị Nương:

- Cha rất đau buồn vì bệnh tình của con. Con muốn gì cha cũng làm để con khỏi bệnh.

- Thật không cha - Mị Nương vội nói - Có thật cha chiều con mọi điều không?

- Có bao giờ cha từ chối con điều gì đâu. Tất cả của cải trong dinh này là của con. Con muốn gì cũng được.

- Cha ơi! Con muốn... muốn lấy chàng...

- Con muốn lấy chồng ư? Đúng rồi, con sẽ lấy chồng. Cha sẽ tìm cho con một tấm chồng xứng đáng.

- Con muốn lấy chàng trai hát trên sông mà thôi. Chàng Trương Chi làm nghề chài lưới cha ạ.

- Sao? Con muốn lấy cái thằng hát rong trên sông ấy ư?

- Vâng chính chàng, chính người mà con đòi cha gọi vào dinh để hát cho con nghe đấy.

- Trời ơi! Con tôi điên mất rồi.

- Không. Con không điên. Con yêu chàng. Vì thương nhớ chàng mà con sinh bệnh. Chỉ có chàng mới chữa bệnh của con, cha ạ.

Khi biết rõ con gái mình tương tư kẻ quê mùa chài lưới trên sông, quan thừa tướng hầm hầm nổi giận:

- Con thật đáng tội chết. Nếu người đời biết được chuyện này, thì danh giá của cha còn gì nữa.

Nói xong, quan thừa tướng rủ tay áo bỏ đi. Và từ đó bệnh tình Mị Nương vô cùng trầm trọng, không một thứ thuốc nào chữa được. Nàng nằm trên giường gấm, thoi thóp thở. Một tên nịnh thần biết chuyện bèn tâu với quan thừa tướng:

- Bẩm quan, tên lái đò kia chính là một con cá quả sống lâu năm dưới sông hóa thành tinh, mang tiếng hát mà ám hại các cô gái đẹp bên sông. Nếu quan cứ để cho nó lởn vởn ở khúc sông này thì bệnh tình cô nương không sao khỏi được. Bây giờ chỉ có cách là đuổi hắn đi nơi khác. Nếu hắn không nghe thì giết quách đi cho khỏi vạ về sau.

Nghe nói vậy, quan thừa tướng liền ra lệnh cho tên nịnh thần chọn dăm tên lính chờ đêm tối ra khỏi dinh tìm gặp Trương Chi.

Đêm ấy, kẻ nịnh thần cùng dăm tên lính lên thuyền, bơi đến gặp Trương Chi. Gặp chàng, tên nịnh thần nói:

- Anh phải đi khỏi khúc sông này ngay đêm nay. Đó là lệnh quan thừa tướng.

- Thưa ông, đây là con sông quê hương tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Tại sao tôi lại rời bỏ dòng sông này.

- Đấy là lệnh quan thừa tướng.

- Thưa ông, tôi không phải là kẻ tham lam mà nhận vàng bạc để rời bỏ nơi này. Hơn nữa, tôi đã mang lòng thương nhớ một người con gái bên sông. Thiếu tiếng hát tôi có lẽ nàng sẽ đau khổ lắm. Tôi ở lại đây cũng để hát cho nàng nghe, thà chết chứ không rời xa khúc sông này được.

- Thằng này láo thật, dám chống lệnh quan - tên nịnh thần thét lên - lính đâu, băm nhỏ nó ra.

Nghe lệnh, những tên lính khỏe nhảy sang đò Trương Chi vung dao băm nát thi thể chàng.

Sáng hôm sau, dân hai bên bờ nhìn thấy xác chàng bị băm nát nổi bập bềnh giữa sông. Họ hò nhau ra vớt. Nhưng cứ bơi thuyền đến gần là xác chàng lại từ từ chìm xuống. Dân làng thất kinh không dám vớt nữa. Họ lập bàn thờ hai bên bờ làm ma cho chàng.

Khi Mị Nương nghe tin dữ ấy, nàng kêu lên, thổ ra huyết mà chết. Sau khi Mị Nương chết, một người gia sư già chuyên dạy kinh sử cho Mị Nương và con cái của các quan cáo bệnh lui về quê. Một đêm ông tắm rửa sạch sẽ, đốt trầm rồi mở tấm lụa bạch ra và viết:

Ngày nay có anh Trương Chi

Người thì thật đẹp, hát thì thật hay

Viết xong bài thơ ấy thì ông mất. Bài thơ ấy được bẩm báo cho quan thừa tướng biết. Viên quan cho lính sục đến nhà người gia sư già lấy đi tấm lụa bạch có đề thơ và chữa câu thay chữ bài thơ rất nhiều. Còn Mị Nương sau khi chết được chôn cất ngay trong dinh viên thừa tướng. Ít lâu sau trên mộ nàng mọc lên một loại cây, lá xanh, thân mảnh. Loài cây này chỉ nở hoa vào lúc đêm khuya. Những bông hoa màu trắng tinh khiết, tỏa hương thơm nhẹ, đến gần sáng thì hoa tàn. Về sau người ta gọi đó là hoa Quỳnh.

Tôi chợt tỉnh giấc, bàng hoàng một lúc mới nhận ra mình đang nằm trong bè vó. Người tôi nóng ran, cổ họng đau và khản. Ngoài cửa lều, ông Tường dậy từ lúc nào đang ngồi hút thuốc. Mặt sông hưng hửng. Mưa đã ngớt.

- Dậy rồi à? - Ông Tường hỏi - Chú mày bị cảm lạnh đấy. Đêm qua lão thấy chú ú ớ nói mê nhiều lắm. Lão sờ trán chú thấy nóng ran. Chút nữa tạnh hẳn về bảo bà lão lấy lá xông là nhẹ ngay. Mà chú mày lo lấy vợ đi. Ở nhà còn có bố mẹ anh em, khi ốm đau có người chăm sóc, chứ làm ngoài tỉnh những lúc như thế khổ lắm. Nhưng lấy thì chọn con nhà danh giá, có địa vị mà lấy, đàn ông như chú thế mới bõ.

Tôi khật khừ ngồi dậy, người đau ê ẩm:

- Thế chiếc thuyền đâu rồi ông?

- Thuyền nào?

- Cái thuyền…

Tôi nói mà thấy đầu óc mình như có mây bay, gió thổi.

- Có thuyền bè nào đâu. Lúc sớm lão định gọi chú dậy lại thôi. Có người chết trôi xác luẩn quẩn trước bè vó. Lão định vớt người ta lên bờ, nhưng không kịp. Nước nó xoáy ra xa và cuốn xuôi dòng mất. Thật tội quá, không biết người ở đâu. Năm nào mùa nước mà chẳng có người chết trôi.

Tôi khoác tấm chăn chiên lên người, ngồi nhìn ra mặt sông ngầu đỏ. Tôi nghĩ đến Thủy.

Tin cùng chuyên mục