Dù nghề gốm sứ đang mai một nhưng vẫn có những người nặng lòng với việc gìn giữ nghề truyền thống này như là một trong những dòng chảy văn hóa không thể thiếu của xứ Trấn Biên - Đồng Nai.
Gốm Biên Hòa trong dòng chảy văn hóa
Cùng với quá trình hình thành vùng đất Trấn Biên dinh, các làng gốm ở Biên Hòa dần hình thành, góp phần vào sự phát triển của những khu dân cư sầm uất bên sông. Làng gốm Biên Hòa từng tạo ra những sản phẩm vang danh vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX gắn liền với sự ra đời của Trường Dạy nghề Biên Hòa (1903), nay là Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cung cấp đội ngũ kỹ thuật lành nghề cho các làng gốm của Đồng Nai, Bình Dương. Gốm mỹ thuật Biên Hòa là sự giao thoa giữa 3 dòng gốm Việt - Hoa - Chăm và điểm nổi bật dễ nhận thấy - làm nên sự độc đáo của gốm Biên Hòa chính là nhiều màu sắc, quá trình tạo màu được khắc chìm.
Sau khi tạo dáng sản phẩm bằng vuốt tay hay bằng khuôn gốm, chờ cho gốm khô xong, nghệ nhân sẽ vẽ chìm lên rồi khắc bằng mũi dao nhọn, sau đó phối màu, chấm men rồi đem nung với nhiệt độ cao trong một ngày đêm. Nhưng qua thăng trầm của thời gian, từ hàng trăm cơ sở nay chỉ còn vài chục đơn vị lớn nhỏ vẫn gắn bó với nghề gốm, tập trung tại các phường Bửu Long, Tân Vạn, Tân Hạnh và Hóa An.
Chúng tôi đến cơ sở làm gốm sứ của Công ty TNHH Gốm Biên Hòa, cách trung tâm TP Biên Hòa khoảng 3km, thuộc phường Hóa An. Cơ sở gốm nằm sâu trong con hẻm hướng ra bờ sông Cái. Cơ sở có 5 thợ đang cặm cụi làm việc và tất cả đều là phụ nữ, đa phần đã luống tuổi. Người trẻ nhất đã ngoài 40 tuổi, còn người lớn nhất là chị Võ Thị Hạnh, 62 tuổi đã có 45 năm trong nghề. Sinh ra ở Bình Dương, lớn lên trong không gian gốm sứ miền Đông nên năm 1976 chị đã đi học nghề gốm ở xưởng gốm Kim Long, phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa và theo nghề cho đến nay.
Trong lúc ngồi xem chị Hạnh chấm men, chúng tôi tranh thủ hỏi chị: “Vì sao chị lại chọn nghề này?”. Chị cười hiền hậu: “Mình chọn nghề này vì thích. Nghề này đỏi hỏi phải kỹ, tỉ mỉ, cần mẫn và dĩ nhiên phải có con mắt thẩm mỹ. Men gốm rất mau khô nên nếu chấm không đạt là phải thấm nước cạo liền mới ra. Với thợ ở đây là làm ăn theo sản phẩm và với một bình hoa cao 60cm nếu chấm lẹ thì mỗi ngày được 2 cái và tiền công được hơn 400 ngàn đồng, cũng đủ sống với nghề”. Tuy vậy, vì nghề chấm men gốm hay khắc gốm phải ngồi một chỗ nên theo chị Hạnh, lớp trẻ giờ không thích làm, thích vô công ty làm hoặc thích bay nhảy. Cứ như 2 đứa con chị thì không đứa nào theo nghề gốm vì “ngồi cả ngày chấm tụi nó ngán”.
Cũng vì thế mà nghề này giờ toàn là người lớn tuổi và chắc khó có người thay thế. Chủ của xưởng gốm này là ông Tám Tiền, năm nay 66 tuổi, là dân Biên Hòa gốc, vốn là dân “thợ nòi” về xay đất làm gốm do ông già truyền lại. Xưởng này ông Tám Tiền lập ra khoảng 8 năm và có 9 người thợ, trong đó có 5 nữ, 3 nam đều trên 40 tuổi. Các con ông cũng không có ai theo nghề gốm. Bởi vậy, với nghề gốm bây giờ tìm được người để truyền nghề hơi khó, nhất là thợ khắc chìm hay vẽ trên gốm thì hầu như không có người theo.
Nặng lòng với gốm
Theo GS-TS Phan Thị Thu Hiền (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM), gốm Biên Hòa là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế với chất liệu men đặc trưng là men xanh đồng trổ bông (vert de Bien Hoa) và gốm sứ Biên Hòa thật sự xứng đáng như một biểu tượng quan trọng góp phần nhận diện danh tiếng địa phương của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Tuy vậy, theo dòng chảy của thời gian, những làng gốm cổ không còn phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện đại do trước đây đốt bằng củi gây ô nhiễm, nằm trong khu dân cư nên buộc phải thay đổi theo hướng bảo tồn - phát triển gắn với công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo theo yêu cầu của thị trường. Gốm sứ Biên Hòa hội đủ các yếu tố để xây dựng một thành phố gốm sứ như ở TP Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc), TP Icheon (Hàn Quốc).
Trong định hướng phát triển đô thị, tỉnh Đồng Nai đã có quy hoạch, di dời các làng gốm, cơ sở gốm truyền thống đến cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh để có thể bảo tồn được một trong những nghề cổ truyền, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử không chỉ của Đồng Nai mà cả vùng lân cận.
Theo TS Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, để bảo tồn và khai thác nghề gốm, tỉnh Đồng Nai cần triển khai hiệu quả đề án Khôi phục và phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống, kết nối du lịch với làng nghề truyền thống.
Trong thời gian chờ sự định hình, phát triển của cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, rất cần những con người hiểu, yêu và nặng lòng với gốm như ông Mai Thanh Xin, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Biên Hòa. Ông Xin quê gốc miền Trung, sau khi tốt nghiệp đại học (Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành vật liệu xây dựng), năm 2007 vào TP Biên Hòa lập nghiệp, xin vào làm tại Công ty Gốm Việt Thành ở Hóa An.
Được một thời gian thì ông chuyển qua lĩnh vực xây dựng và khi thiết kế trang trí nhà cho khách, đưa các sản phẩm gốm vào trang trí, ông mới bắt đầu bén duyên với gốm. Cùng với một đồng nghiệp trong công ty, ông đầu tư làm gốm, mở một số cửa hàng nhỏ nhờ người ta bán giùm và liên kết với một vài địa phương ở miền Bắc, bán trực tiếp qua mạng internet.
Lượng khách tăng dần nên năm 2022, ông Xin quyết định mở công ty để qua đó mở mang kinh doanh, bán hàng qua các công ty bán lẻ do người Việt làm chủ ở Mỹ, châu Âu, tuy nhiên số lượng còn nhỏ lẻ chứ chưa xuất khẩu được cả container như mong đợi. Theo ông Xin, một khi xuất được nhiều hàng sẽ giúp cải thiện, tăng thu nhập cho các nghệ nhân và tạo sự tin tưởng cho thế hệ con em họ để tiếp nối nghề truyền thống.
“So với năm 2007 khi mới bước chân vào làm gốm, tôi thấy sản xuất gốm có sự mai một vì nhiều nghệ nhân làm nghề nay đã chuyển nghề làm công nhân công ty gần nhà, hoặc nghề tự do, không muốn quay lại nghề gốm”, ông Xin trải lòng. Nỗi lo lắng thường trực của ông và đội ngũ lãnh đạo công ty là đội ngũ thợ của công ty đa số đều lớn tuổi, hầu hết trên 50 tuổi, nghệ nhân khắc chìm có người đã làm từ trước năm 1975 đến giờ, nhưng tìm người trẻ truyền nghề không có vì phần nhiều các bạn trẻ không muốn ngồi một chỗ và quá trình để được phong nghệ nhân gốm rất gian truân.
Mong muốn của người làm gốm sứ Biên Hòa là tập hợp nghệ nhân lại để có thể làm ra được nhiều sản phẩm gốm mỹ thuật đặc trưng, đáp ứng được đơn hàng lớn xuất khẩu. Chỉ có cách này mới có thể đưa gốm Biên Hòa đi xa, có thể phát triển du lịch làng nghề tập trung, trong khi thực tế hiện nay nhiều thợ lại chỉ thích làm gốm gia dụng rẻ tiền, làm gần nhà, không muốn vào cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh để tập trung sản xuất, xuất khẩu gốm.