Ngành du lịch các tỉnh Đông Nam bộ cần tăng cường liên kết để hình thành các tour du lịch sinh thái - văn hóa kết nối các cù lao trên sông Đồng Nai.
Ngọt lành bưởi cù lao
Rời Cù lao Phố, ngược theo sông Đồng Nai, chúng tôi đến xã Cù lao Bạch Đằng (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Tận dụng phù sa màu mỡ và dòng nước xanh mát của dòng sông Đồng Nai, người dân trong xã đã phát triển cây bưởi đặc sản từ khá sớm, hiện diện tích đã lên đến hơn 400ha. Những vườn bưởi sinh trưởng tốt, trái xum xuê trĩu nặng cành nối tiếp nhau dệt lên một màu xanh ngắt. Nhà nào ít thì trồng 1.000-2.000m2, nhiều thì lên đến cả hécta với đủ loại bưởi như da xanh, đường lá cam, bưởi ổi, hàng năm cho thu nhập ổn định.
Chúng tôi vào vườn bưởi 2ha với khoảng 600 gốc bưởi da xanh, bưởi đường lá cam trồng hơn 7 năm của gia đình ông Nguyễn Minh Hùng (người dân thường gọi là ông Hai Hùng, ấp Tân Trạch) khi ông đang dùng phân gà bón cho cây bưởi, sử dụng thuốc sinh học để diệt trừ sâu bệnh và tăng năng suất bưởi. Ông Hùng cho hay, trái bưởi Bạch Đằng có trọng lượng trung bình từ 800g đến 1,2kg, giá 1 chục (12 trái) là 1 triệu đồng. Do được trồng trên đất phù sa bồi lắng bởi sông Đồng Nai nên bưởi có vỏ mỏng, thịt vàng mọng, vị đặc trưng, ăn xong để lại vị ngọt trong cổ họng, không bị the, đắng.
Trước đây, bưởi thường rơi vào cảnh được mùa rớt giá do giao thông đi lại bằng phà, nhưng từ năm 2010, khi cây cầu Bạch Đằng bắc qua sông Đồng Nai nối Cù lao Bạch Đằng với TP Tân Uyên được khánh thành, đã tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản (trong đó có bưởi) đến thị trường TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ. Tỉnh Bình Dương cũng triển khai thí điểm xây dựng Làng thông minh tại xã Bạch Đằng, mở Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng 2 năm một lần, giúp người trồng bưởi gắn bó với nghề truyền thống, hướng tới phát triển bền vững kết hợp du lịch sinh thái.
Trở qua bên kia sông là Cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), diện tích tự nhiên 350ha, trong đó có 280ha bưởi với 2 giống chủ lực là bưởi đường lá cam, bưởi da xanh, cho sản lượng 5.000 tấn/năm. Từ giữa thế kỷ 20, trái bưởi Tân Triều đã theo chân thương lái có mặt ở hầu hết các tỉnh khu vực miền Đông.
Ở Tân Triều, ông Huỳnh Đức Huệ (thường gọi Năm Huệ) là người tiên phong trồng bưởi kết hợp du lịch sinh thái từ hơn 20 năm trước. Ban đầu chỉ có vài căn chòi lá nhỏ nằm xen kẽ trong vườn bưởi, bên bờ ao cá, bờ kênh, nay thành Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Năm Huệ, rộng 2ha, trồng 500 gốc bưởi đường lá cam. Khi đến đây, du khách được thưởng thức ẩm thực bưởi như: gỏi bưởi tôm thịt, gà hấp trái bưởi, bì bưởi chiên giòn, nem bưởi, chè bưởi, nước ép bưởi, mứt bưởi, rượu bưởi… Ngoài tham quan vườn bưởi, ông Năm Huệ còn phục vụ khách tham quan bằng đường sông dạo quanh một vòng Cù lao Tân Triều.
Theo ông Lê Văn Thanh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Bình, cây bưởi là nguồn thu nhập chính của người dân Cù lao Tân Triều, trung bình 1ha bưởi thu về 500 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người 88 triệu đồng/năm và người trồng bưởi ưu tiên sử dụng men sinh học IMO, MEVI để ủ trái bưởi non, lục bình làm phân bón cho bưởi, giúp giảm chi phí, giá thành sản phẩm và sức lao động. Hiện Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu an toàn cho bưởi Tân Triều, giúp nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước và hướng tới phát triển du lịch sinh thái trên vùng đất cù lao.
Việc phát triển du lịch sinh thái cù lao trên sông sẽ tạo ra sự đa dạng, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch Đông Nam bộ thông qua liên kết giữa các tỉnh Đồng Nai - Bình Dương - TPHCM. Trong đó, tour du lịch sinh thái, tâm linh bắt đầu bằng việc tham quan chùa Long Phước, miếu bà Chúa Xứ 3 trên Cù lao Long Phước, tiếp đến ghé Cù lao Phố, thăm đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Đại Giác, chùa Ông đến làng bưởi Bạch Đằng, Tân Triều và ngược dòng lên khám phá hồ Trị An (Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) ở huyện Vĩnh Cửu.
Kết nối tour du lịch
Chúng tôi về Cù lao Ba Xê thuộc phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa). Cù lao rộng 30ha, được bao bọc bởi mênh mông sông nước. Nơi đây có khoảng 130 hộ gia đình với gần 400 nhân khẩu, lấy nghề đánh bắt thủy sản làm kế mưu sinh. Gia đình bà Vũ Thị Lan (sinh năm 1954, quê gốc Hải Dương) sống ở Cù lao Ba Xê từ trước năm 1975, cho biết: "Ngày mới đến, cù lao vắng vẻ với vài ba nóc nhà, người dân nhờ dòng nước lên xuống để giăng câu, thả lưới đánh bắt tôm cá. Đất phù sa bồi lắng màu mỡ trồng cây ăn trái và rất thuận tiện cho việc kết nối giao thông đường thủy, du lịch sinh thái ven sông".
Từ năm 2018, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo (TP Biên Hòa) khai trương tuyến du lịch đường sông Đồng Nai khoảng 30km nhằm phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa hai bên bờ sông. Giai đoạn 1, tuyến du lịch được thực hiện từ bến tàu tại công viên Nguyễn Văn Trị đến chùa Ông (TP Biên Hòa), chùa Long Phước (quận 9, TPHCM) - chạy vòng quanh Cù lao Ba Xê - làng bè Hiệp Hòa rồi trở về điểm xuất phát. Giai đoạn 2 triển khai từ bến tàu, trạm dừng chân ở phường Bửu Long đến bến đò Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), nhưng do vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp sang đất kinh doanh dịch vụ nên chưa được triển khai.
Chúng tôi tìm gặp nhà báo Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Đồng Nai - một người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về tài nguyên lịch sử - văn hóa - du lịch của vùng đất Trấn Biên. Năm 2020, tại Hội thảo khoa học di sản văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch của các cù lao Bình Dương và Đông Nam bộ, nhà báo Mai Sông Bé mạnh dạn đề xuất 12 nội dung phát triển du lịch trên sông Đồng Nai. Trong đó khẳng định, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các cù lao trên sông Đồng Nai tiếp giáp giữa Bình Dương - Đồng Nai - TPHCM là những di sản quý giá cần được bảo tồn, tôn tạo để giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng tự hào đối với quê hương và đó là tài nguyên phát triển du lịch.