LTS: Sông Đồng Nai dài 586km là con sông nội địa dài nhất Việt Nam. Khởi nguồn từ cao nguyên Langbiang với tên gọi sông Đa Dâng, sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TPHCM trước khi nhập với sông Nhà Bè, Lòng Tàu đổ ra biển Đông. Từ xa xưa, cha ông ta có câu “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai” để chỉ sự mát lành, xanh trong, thuần khiết của nguồn nước sông Đồng Nai. Trải qua thời gian, bên dòng sông hiền hòa ấy đã hình thành nên những xóm làng trù phú, khu đô thị mới sầm uất. Và ngày nay, với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng của khu vực Đông Nam bộ đang đặt ra vấn đề phát huy giá trị nhiều mặt của con sông theo hướng phát triển bền vững.
Chúng tôi trở lại Cù lao Hiệp Hòa (Cù lao Phố) để tìm lại chút không gian sông nước của vùng đất Đồng Nai - Trấn Biên dinh - Nông Nại Đại Phố những ngày đầu hình thành vùng đất miền Đông Nam bộ gắn liền với bước chân của tiền nhân thuở nào. Chỉ trên một phần đất nhỏ hẹp nhưng tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia như Đại Giác cổ tự, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông... khiến chúng tôi không khỏi bồi hồi.
Nhớ công ơn Đức Ông
Sách xưa vẫn còn lưu lại quá trình mở mang vùng đất Trấn Biên thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ấy là vào khoảng năm 1679, một viên tướng của nhà Minh là Trần Thượng Xuyên không quy thuận nhà Thanh nên đã dẫn theo 3.000 quân cùng gia quyến với 50 chiến thuyền vượt biển vào Đà Nẵng xin Chúa Nguyễn cho làm thần dân xứ Đàng Trong. Sau đó, ông được cho vào vùng đất Trấn Biên Dinh và Bàng Lân (Biên Hòa ngày nay) để dựng trại, đồn trú, lập nghiệp, lập nên xã Thanh Hà (sông nước trong - Cù lao Phố ), mở mang nông nghiệp, truyền bá phong tục, lễ nghi, văn hóa cho dân địa phương. Và những khu dân cư dần hình thành ngày càng đông đúc trên sông Đồng Nai, cùng cảnh nhộn nhịp của thương thuyền ngoại quốc.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có mô tả “Nhà ngói, vách vôi, lầu quá đôi từng, rực rỡ trên bờ sông, liên tục năm dặm và phân hoạch làm ba nhai lộ: Nhai lớn giữa phố, lót đá trắng; nhai ngang lót đá ong; nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng”. Đồng thời, trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cũng ghi lại như sau: “Từ xưa các thuyền ngoại quốc tới nơi này (Châu - Đại - Phố ) bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước mua giùm. Như thế, khách chủ được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đờn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn…”.
Không chỉ có công mở mang vùng đất mới bên sông Đồng Nai mà cụ Trần Thượng Xuyên còn tham gia cùng quân đội nhà Nguyễn dẹp loạn trong nước, chống giặc ngoại bang, phục vụ cho công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam. Ông mất vào khoảng năm 1720 (ngày 23 tháng 10 âm lịch) và được an táng ở mạn Bắc dinh Trấn Biên, sau thuộc huyện Phước Bình (Tân Uyên). Hiện nay, ở phía bên kia sông Đồng Nai, thuộc xã Mỹ Lộc (Tân Uyên) có một ngôi mộ cổ lớn mà nhiều người dân cho là của cụ Trần Thượng Xuyên.
Để tỏ lòng biết ơn công đức của cụ, người dân địa phương đã lập đình thờ cụ ngay bên sông Đồng Nai, gần chợ Biên Hòa và ngày nay gọi là Đình Tân Lân, tôn xưng cụ là Đức Ông. Con đường trước đình xưa có tên Trần Thượng Xuyên, nay mang tên Nguyễn Văn Trị và cách đây hơn 5 năm, TP Biên Hòa đã đầu tư chỉnh trang thành công viên bên sông, tạo điểm vui chơi cho người dân địa phương và rất thuận tiện cho du khách viếng thăm.
Bảo tồn, phát huy các di tích quốc gia
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là chùa Ông (Thất phủ Cổ miếu, tạo dựng từ năm 1684 và được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2011), là điểm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Hoa. Chùa thờ Quan Công, một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc, nghĩa hiệp, độ lượng, bao dung. Cứ đến trung tuần tháng giêng hàng năm, ở đây lại diễn ra lễ hội chùa Ông với nghi thức rước rất hoành tráng, trong đó độc đáo nhất là lễ Nghinh thần được duy trì suốt hơn 300 năm qua và trở thành lễ hội vùng Đông Nam bộ, vẫn còn giữ được sắc thái riêng.
Sau khi viếng chùa Ông, theo chân ông Hoàng Ngọc Phương (Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa), chúng tôi qua đền thờ Đức Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cách đó khoảng 5 phút đi bộ và cũng nằm bên nhánh chính sông Cái (Đồng Nai). So với lần đầu tiên chúng tôi đến đây cách nay 5 năm thì khu đền thờ đã được chính quyền nâng cấp, tu bổ nhiều lần, hiện rất khang trang để người dân và du khách có dịp viếng thăm, thắp nén nhang ghi nhớ công đức của bậc tiền hiền thời nhà Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam thuở trước. Và lịch sử hình thành vùng đất Trấn Biên - Đồng Nai được đánh dấu bằng năm 1698 khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược xứ Đàng Trong đã thành lập dinh Trấn Biên, tiền thân của tỉnh Biên Hòa sau này. Đến năm Gia Long thứ 7 (1808), dinh Trấn Biên được đổi thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long và là một trong 5 trấn dưới thời Gia Long, thuộc Gia Định thành. Trấn Biên Hòa (1808-1832) hay tỉnh Biên Hòa (1832-1861) có địa giới hành chính rộng lớn, bao gồm vùng đất các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương và một phần của TPHCM ngày nay.
Nói về công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa rất có giá trị trên địa bàn, ông Hoàng Ngọc Phương cho biết, nhận thức được giá trị to lớn của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, chính quyền TP Biên Hòa và trực tiếp là UBND phường Hiệp Hòa đã quan tâm đầu tư để biến Cù lao Phố trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, Lễ hội chùa Ông vừa được Bộ VH-TT-DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội diễn ra dịp sau Tết Nguyên đán (từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm) là niềm tự hào của địa phương, thu hút du khách trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đến tham quan du lịch.
Cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh khoảng 200m là ngôi chùa thuộc loại cổ nhất vùng Đông Nam bộ - Đại Giác cổ tự, được dựng từ năm 1412, ban đầu chỉ là một cái am nhỏ lợp tranh thờ Phật, giữa vùng đất cù lao hoang sơ. Đến khoảng năm 1665, khi dân cư đến Cù lao Phố ngày một đông đúc thì ngôi chùa được xây dựng trên nền am thờ.
Tương truyền rằng, những năm cuối thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn Ánh cùng quần thần có lần ở lại chùa Đại Giác. Sau khi lên ngôi vua với hiệu là Gia Long, vua ban lệnh trùng tu chùa, dâng cúng một pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít cao gần 2,5m thờ trong chánh điện. Và cũng vì chùa có bảo vật vua tặng nên dân gian sau này còn gọi chùa bằng cái tên là chùa Phật Lớn.