Soi mình bên con nước
Trong tiến trình phát triển và hội nhập, mỗi vùng đất đều nương theo bản sắc khởi nguồn. Nét đẹp văn hóa trên bến dưới thuyền ở TPHCM, không chỉ lưu dấu một thời giao thương đường thủy, bản sắc đô thị này khởi nguồn bên những dòng sông.
Thành phố hôm nay, soi mình bên con nước, khi mạng lưới sông, rạch uốn mình theo tiến trình phát triển đô thị. Về mặt địa lý, TPHCM nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn với địa hình tương đối bằng phẳng, chế độ thủy văn của kênh rạch và sông ngòi chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều Biển Đông và tác động qua lại giữa các hệ thống sông: sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Hầu hết kênh rạch và một phần hạ lưu các sông Đồng Nai, Sài Gòn đều chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều. Tùy theo những điều kiện cụ thể (mùa, lưu lượng nước sông…), nước biển có thể ngược dòng xâm nhập đến tận Bình Dương (trên sông Sài Gòn) và Long Đại (trên sông Đồng Nai).
Ngoài các con sông chính, thành phố còn có một mạng lưới sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc: Láng The, Bàu Nông, rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, Kênh Tẻ, Tàu Hủ, Kênh Đôi… Hệ thống các kênh rạch đổ vào sông Sài Gòn với hai nhánh chính là rạch Bến Cát và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Có nhiều rạch nối với sông Sài Gòn (rạch Láng Tre, rạch Tra, rạch Bến Cát, rạch Thị Nghè…) và một số kênh đào (kênh Tham Lương, kênh An Hạ, kênh Thái Mỹ, kênh Đông).
TS-KTS Phạm Phú Cường chia sẻ: “TPHCM gần như được sinh ra giữa những dòng sông, vì nó được ôm trọn bởi sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, rạch Thị Nghè. Khác với Hà Nội, nơi dòng sông Hồng rộng mênh mông ngăn cách các vùng đất ở hai bờ, các dòng sông, rạch tại TPHCM thì ngược lại: hòa mình vào đô thị, tham gia vào cấu trúc và tiến trình phát triển của thành phố”.
"Xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII, muộn hơn các phố phường của Thăng Long - Hà Nội 2 thế kỷ, các phố chuyên doanh ở Sài Gòn - TPHCM đã có những nét riêng biệt trong phương thức kinh doanh trên cơ sở kế thừa truyền thống kinh doanh ở các phố nghề Thăng Long - Hà Nội. Hầu hết các chợ quan trọng đều hình thành nơi những bến sông trong lịch sử phát triển của vùng đất Nam bộ và các “chợ - bến” ở Sài Gòn - TPHCM là sự tiếp nối truyền thống đó"
Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nguyễn Thanh Lợi
Đặc trưng của kinh tế đô thị
Theo ghi chép từ các tài liệu lịch sử, năm 1819, một đoạn rạch Bến Nghé được mở rộng và lấy tên là An Thông Hà (tức kênh Tàu Hủ). Năm 1905, kênh Tẻ (từ cầu chữ Y ra Tân Thuận) được đào mới, sau đó là kênh Đôi song song với rạch Bến Nghé. Hệ thống các kênh rạch đổ vào sông Bến Lức và kênh Đôi - kênh Tẻ như: rạch Tân Kiên, rạch Bà Hom, rạch Tân Hóa - Lò Gốm… Đây là những con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hóa khác từ miền Tây Nam bộ lên cảng Sài Gòn để xuất khẩu. Sài Gòn - TPHCM có một hệ thống sông lớn nối liền các vùng đất liền ra cửa biển nên đây cũng là nơi có sự giao lưu mạnh mẽ với các quốc gia khác qua đường biển.
Thả khinh khí cầu trên sông Sài Gòn vào các dịp lễ lớn của đất nước. Ảnh: NSNA BÙI QUỐC SỸ |
TS Nguyễn Thị Hậu (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM) phân tích: “Quá trình khai phá vùng đất Sài Gòn và Nam bộ, những người dân từ nơi khác đến nơi này bằng đường biển là chủ yếu, sau đó theo các dòng sông đi sâu vào đất liền và định cư trên khắp Nam bộ. TPHCM hiện nay có 15km bờ biển thuộc huyện Cần Giờ, hai vịnh Gành Rái (sông Lòng Tàu) và Đồng Tranh (sông Soài Rạp) là cửa ngõ nối liền thành phố, miền Đông Nam bộ với Biển Đông. Khu vực Cần Giờ thể hiện rõ nhất tính chất sông nước, biển và ven biển của vùng đất Sài Gòn xưa. Tính chất sông nước không chỉ là yếu tố tự nhiên, mà còn tạo ra đặc trưng của nền kinh tế đô thị Sài Gòn: buôn bán bằng đường thủy, hình thành hệ thống bến cảng, kho bãi, nhà máy, công xưởng ven sông. Đồng thời tăng cường tính chất cởi mở “hướng biển” giao thương với nhiều nơi khác, thúc đẩy kinh tế phát triển và góp phần vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa thành phố”.
Từ khu vực quận 1 - trung tâm thành phố, bến tàu thủy nội đô, sân khấu ca nhạc cập bờ sông hay công viên Bến Bạch Đằng, trải dài từ phía cầu Ba Son đến Cột Cờ Thủ Ngữ, trở thành mặt tiền của đô thị sông nước, điểm hẹn tuy mới mà quen, thu hút người dân lẫn du khách.
Ngồi cà phê cùng nhóm khách nước ngoài ở công viên Bến Bạch Đằng, trước khi lên tàu ngắm thành phố từ bờ sông, chị Nguyễn Hà Hạnh Nguyên (34 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) chia sẻ: “Tôi thỉnh thoảng vẫn làm hướng dẫn viên tự do cho một nhóm khách khi họ cần người bản địa. Khu vực công viên Bến Bạch Đằng và buýt đường sông được khách quan tâm nhiều. Tôi làm hướng dẫn viên tự do hơn 10 năm nay, có nhiều khách quay lại TPHCM du lịch lần 2, lần 3 hoặc đi công tác, làm việc, họ cũng thích diện mạo mới ở đây. Họ thích không khí tản bộ giữa thành phố, nhưng vẫn hài hòa sinh thái sông nước và không gian đô thị hiện đại”.
Trong muôn vàn những điều hội tụ và hội nhập của đô thị lớn nhất nhì trong cả nước, giữ cho thành phố một bản sắc để làm nên dấu ấn có lẽ phải tựa mình vào những giá trị di sản buổi sơ khai… Một dòng sông, một đô thị đẹp từ buổi hình thành, nơi tiếp nhận và đón đầu những xu hướng mới, nhưng vẫn giữ riêng cho mình một sắc màu sông nước, “trên bến dưới thuyền” của thuở ban đầu.