Dù giảm diện tích trồng hoa nhưng nhiều nhà vườn vẫn lo lắng bị ế hàng vì kinh tế khó khăn, người dân chắt bóp chi tiêu, thị trường thu hẹp dần.
Tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất), vùng trồng hoa lớn nhất của tỉnh Đồng Nai với diện tích khoảng gần 20ha, nhiều loài hoa đang đua nhau khoe sắc. Anh Ngô Hồng Khánh có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng hoa cho biết, trước đây các hộ trồng đa dạng loại hoa hơn, năm nay số lượng trồng giảm khoảng 20%-30% và chỉ trồng một số loại như tulip, mồng gà, vạn thọ, cúc... để bán cho khách hàng truyền thống... Với 6.000m2 , gia đình anh Nguyễn Văn Thạnh (phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chỉ xuống giống cúc vạn thọ. “Năm ngoái hoa ế, gia đình bán vội, lỗ vài chục triệu đồng tiền phân bón, công chăm sóc.
Năm nay, thương lái chưa đến hỏi mua nên gia đình tôi rất lo lắng, vẫn chưa biết giá cả ra sao hay lại mất mùa như năm trước”, anh Thạnh băn khoăn. Trong khi đó, được hình thành hơn 20 năm nay, làng hoa Tân Ba (khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) có diện tích hơn 10ha, các hộ trồng hoa chỉ trồng 1 vụ vào dịp tết và trông chờ thu nhập từ vụ hoa này. Trước đây, mỗi vụ tết, làng hoa trồng khoảng 200.000 cây hoa vạn thọ, hơn 30.000 cây hoa cúc, 6.000 chậu mào gà và các loại hoa lay ơn, cát tường, hướng dương, nhưng năm nay giảm còn một nửa.
Anh Trần Thanh Tuấn (người trồng hoa ở làng hoa Tân Ba) cho biết, năm nay, các hộ trồng hoa không dám trồng ồ ạt mà chủ yếu phục vụ cho khách mối, thương lái ở các tỉnh. Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng không khí mua bán hoa ở làng hoa thuộc phường Kim Dinh (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn khá trầm lắng. Năm nay, bà con xuống giống trên diện tích khoảng 22ha (giảm nhẹ so với năm trước), với nhiều loại hoa như cúc đại đóa, mào gà, cẩm chướng, hoa ly, cẩm nhung, hồng, hướng dương, cúc nhật, dạ yến thảo, dừa cạn... Tuy thời tiết năm nay thuận lợi, các vườn hoa phát triển tốt nhưng bà con nông dân rất lo lắng về thị trường tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ khu phố Kim Dinh) chia sẻ, năm nay gia đình trồng khoảng 3.000 chậu, giảm 2.000 chậu so với năm ngoái, chủ yếu trồng cúc đại đóa. Hiện đang là thời điểm hoa ra nụ, khoảng 15 ngày nữa, ông Tuấn sẽ xuất bán hoa, và để phù hợp với túi tiền của người dân, đa số chậu hoa sẽ được thiết kế có kích cỡ nhỏ và vừa.
Còn tại xã Láng Lớn (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có khoảng 50 hộ trồng hoa tết với diện tích khoảng gần 30ha, dự kiến sẽ bán ra thị trường khoảng 200.000 chậu hoa các loại. Người trồng hoa ở đây cũng đang thấp thỏm âu lo vì thị trường tiêu thụ nhận định khá ảm đạm. Đang tất bật cùng nhân công giăng lưới cho từng chậu cúc đại đóa, anh Nguyễn Văn Hoàng (ngụ ấp Tân Giao) cho biết, năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, người mua hoa sẽ ít hơn nên chỉ trồng 2.000 chậu cúc đại đóa và hiện thương lái mới đặt mua khoảng 50% số lượng. “UBND huyện Châu Đức đang kêu gọi các đơn vị, người dân, doanh nghiệp đặt mua hoa tết, hỗ trợ người trồng hoa tránh khỏi tình cảnh nhổ bỏ hoa mang chậu về. Hy vọng sẽ tiêu thụ khả quan hơn”, anh Hoàng cho biết.
Thời điểm này các chủ vườn mai trên địa bàn TPHCM đang tất bật chuẩn bị để phục vụ khách hàng dịp cao điểm. Theo ghi nhận, diện tích trồng mai tại xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM) năm nay tăng thêm khoảng 10ha so với năm ngoái. Dù diện tích và sản lượng tăng nhưng đến thời điểm hiện tại, các nhà vườn vẫn chưa nhận được nhiều đơn đặt hàng của thương lái. Anh Bùi Ngọc Đức, chủ vườn mai Hữu Đức tại xã Bình Lợi, cho biết: “Vài năm trở lại đây, bà con nông dân dần chuyển hướng sang trồng mai thành phẩm trong chậu và tạo dáng bonsai.
Do kinh tế khó khăn nên thay vì mua một cây mai lớn với giá vài triệu đồng, khách hàng có xu hướng mua một chậu mai bonsai nhỏ giá rẻ hơn mà vẫn có không khí tết”. Tương tự, anh Trịnh Hoàng Quân, chủ vườn mai Hoàng Quân (TP Thủ Đức, TPHCM), cũng thông tin, chưa có nhiều khách đặt hàng, dự kiến lượng khách sẽ giảm khoảng 20%, giá mai cũng sẽ giảm.
HẢI NGỌC