Theo báo cáo của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, kịch bản phát triển trong giai đoạn 2021-2030 của vùng Đông Nam bộ được lựa chọn có tốc độ tăng trưởng trung bình 8-9%/năm, thu nhập bình quân đầu người 14.500-15.800 USD/năm. Mô hình tăng trưởng của vùng ưu tiên các ngành công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, trong đó kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, động lực phát triển.
Vùng Đông Nam bộ hướng tới trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, GD-ĐT, KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, tiểu vùng trung tâm (TPHCM, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương, phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai) ưu tiên cho dịch vụ chất lượng cao về tài chính - ngân hàng, y tế, GD-ĐT; công nghiệp công nghệ cao, chuyên sâu; đầu mối giao thương quốc tế. Tiểu vùng ven biển (khu vực Cần Giờ của TPHCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát triển kinh tế biển như cảng biển, logistics, khai thác và chế biến dầu khí, du lịch biển đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản… Tiểu vùng phía Bắc (các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) phát triển kinh tế cửa khẩu, logistics, công nghiệp chế biến nông lâm sản, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng, trồng cây công nghiệp, bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học…
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của quy hoạch vùng Đông Nam bộ đối với việc cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch chuyên ngành quốc gia. Do đó, quy hoạch phải giải quyết những bất cập, hạn chế đối với sự phát triển của toàn vùng và các địa phương trong vùng khi chưa có quy hoạch vùng, nhất là nguyên nhân khiến vùng Đông Nam bộ phát triển chậm lại, từ đó “vẽ lên bức tranh mới, sức sống mới, động lực mới, có hạ tầng hiện đại, phù hợp với truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Vùng Đông Nam bộ phải thay đổi tư duy phát triển khép kín, cục bộ sang liên kết với các vùng, địa phương khác về cả kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch… bằng các hành lang phát triển, đô thị được kết nối bằng hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, quy hoạch cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới cơ cấu kinh tế vùng Đông Nam bộ, khai thác tối đa lợi thế khác biệt. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp của vùng Đông Nam bộ phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, năng lượng xanh, công nghệ cốt lõi… Nông nghiệp hướng vào công nghệ cao, tạo ra không gian xanh, gắn với du lịch. Trước yêu cầu nguồn nhân lực phải đi trước một bước mới có thể thu hút các dự án FDI công nghệ cao, kinh tế tri thức, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng vùng Đông Nam bộ phải giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt trong GD-ĐT, nghiên cứu KH-CN…
Về lộ trình triển khai quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh hai điểm: Vùng Đông Nam bộ sẽ là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá; đồng thời có tiêu chí lựa chọn những nhiệm vụ, dự án, công trình ưu tiên “đầu tư cho ra tấm, ra món’’ để phát huy tối đa lợi thế của vùng, mang lại lợi ích chung cho các địa phương.