Làng mai Vĩnh Phú (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) nổi tiếng với nghề trồng mai kiểng tết cung cấp cho thị trường các tỉnh Đông Nam bộ, nhất là TPHCM. Vào lúc cao điểm, làng mai Vĩnh Phú có gần 100 hộ tham gia trồng mai với diện tích khoảng 10ha, nhưng hiện nay diện tích đã bị thu hẹp hơn 30% để chuyển sang trồng cây ăn trái hoặc các loại cây trồng khác có chu kỳ thu hoạch ngắn và vốn đầu tư ít hơn.
Gia đình anh Lê Đức Trọng (46 tuổi, ngụ tại phường Vĩnh Phú) hiện có hơn 1.000 gốc mai giảo, tứ quý, mai ghép với giá cao nhất lên tới hơn 70 triệu đồng/gốc và thấp nhất khoảng 2 triệu đồng/gốc, nhưng tới thời điểm này hơn 30 mối mua mai sỉ vẫn chưa tới đặt hàng, khiến anh rất lo lắng. Năm nay anh đầu tư vào vườn mai hơn 800 triệu đồng, giảm một nửa so với năm trước, nhưng số tiền thu về mới chỉ vỏn vẹn chưa tới 20%.
Cũng trong tình cảnh tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Cương (65 tuổi, ngụ khu phố Tây, phường Vĩnh Phú) cho biết, trước đây, cứ vào dịp giáp tết có hơn 10 công nhân phụ chăm sóc mai, còn năm nay anh chỉ thuê 3 người làm để giảm chi phí. Bình thường, số lượng mai chăm sóc khoảng gần 3.000 gốc, nhưng năm nay đã giảm gần 2/3 và chỉ còn những gốc có giá trung bình khoảng 3-5 triệu đồng để phù hợp với túi tiền của nhiều người.
Theo ông Cương, năm nay vườn mai có nhiều cây rất đẹp nhưng do kinh tế khó khăn nên số tiền bán mai cả năm mới chỉ khoảng 200 triệu đồng. Và thay vì đi tới các tỉnh thành miền Tây để chọn được các giống cây tốt, nhiều thế đẹp như mọi năm thì năm nay nhiều chủ vườn mai chọn thu mua mai ở các tỉnh lân cận và tập trung vào các cây có mức giá trung bình để giảm bớt chi phí.
Còn tại làng hoa Kim Dinh (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi có diện tích trồng hoa lớn nhất và lâu năm nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 60 hộ dân trồng hoa trên diện tích khoảng 20ha) cũng không kém phần lo lắng.
Chị Hằng, chủ một vựa hoa có tiếng trong làng cho biết, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh nên hoa hứa hẹn sẽ rất đẹp. Hơn 100 chậu hoa đại đóa có đường kính 1m của nhà chị đã được các thương lái đặt mua với giá 1,7 triệu đồng/cặp, còn lại hơn 300 chậu đường kính 0,6-0,8m có giá từ 800.000 - 1,2 triệu đồng vẫn đang chờ thương lái. Kinh tế khó khăn nên các gia đình trong làng chỉ làm những chậu hoa cỡ nhỏ và vừa để phù hợp với túi tiền của người dân và cũng tránh tình cảnh cắt gốc mang chậu về như những năm trước.
Gia đình bà Linh ở làng hoa Trung Sơn (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) năm nào cũng trồng giống hoa lay ơn để phục vụ thị trường tết. Hàng năm, trên diện tích 5 sào, gia đình bà chỉ trồng giống hoa lay ơn đỏ mập, nhưng 2 năm nay trở lại đây, nắm bắt nhu cầu thị trường ngày càng cao, gia đình bà Linh đã chuyển đổi sang giống lay ơn đỏ tai vuông và giống lay ơn mới với các màu sắc đỏ, vàng và xanh. Vụ tết năm rồi, mỗi sào hoa, gia đình bà Linh thu lãi hàng chục triệu đồng.
Tính chung năm nay, bà con trồng hoa tại ấp Trung Sơn đã gieo trồng khoảng 30ha các giống hoa ngắn ngày để cung cấp cho thị trường, với kỳ vọng sẽ có một mùa hoa bội thu. Ngoài những giống hoa truyền thống bình dân như hoa lay ơn, cúc vạn thọ thì chơi hoa lan hiện đang trở nên phổ biến ở tỉnh Đồng Nai mỗi dịp tết đến xuân về.
Tại vườn lan Thần Lan Hoa rộng 1ha ở xã Ngọc Định, huyện Định Quán, nhiều nhân công đang làm việc tất bật chăm sóc hơn 100.000 chậu (giò) lan với nhiều giống, trong đó chủ yếu là lan Ngọc Điểm. Nhiều vườn lan khác trên địa bàn xã Ngọc Định, huyện Định Quán cũng đang tập trung chăm sóc, chuẩn bị hàng bán tết, giá cả trung bình từ 100.000 - 300.000/giò lan tùy loại, độ lớn nhỏ.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp các địa phương, người trồng hoa kiểng tết cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thực hiện tốt khâu phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm dinh dưỡng cho hoa để có những chậu hoa đẹp, chất lượng tốt, tránh cảnh hoa nở sớm, nở muộn hoặc hư hại do mưa lớn, lốc xoáy bất ngờ.