Quan trọng hơn, việc ưu tiên tập trung vào ngành công nghiệp hỗ trợ, giảm nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ đảm bảo cho việc duy trì mức thặng dư thương mại trong những năm tới.
Thặng dư xuất khẩu ấn tượng
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 9,01%, cao hơn mức tăng GDP dự báo của cả nước. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngành công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn (63,87%) với 1.012 doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng đạt 9,79%.
Đóng góp vào sự phát triển này có vai trò to lớn của 27 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn toàn tỉnh khi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm đạt gần 1,4 tỷ USD và gần 5.200 tỷ đồng đầu tư trong nước với tổng doanh thu đạt 28,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu (XK) của tỉnh Bình Dương tăng 15,6%, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,5% (chiếm 80,5% tổng kim ngạch XK), đưa tổng thặng dư thương mại năm 2018 đạt trên 4,8 tỷ USD (tăng hơn 100 triệu USD so với năm 2017).
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương (BIFA), cho hay, DN ngành gỗ đang đứng trước những thuận lợi nhờ quá trình hội nhập sâu rộng, lực lượng công nhân ngành gỗ ngày càng có tay nghề; DN trong ngành cũng đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách của Chính phủ.
Tính đến hết tháng 11-2018, kim ngạch XK gỗ đạt hơn 8 tỷ USD, dự báo sẽ đạt con số 10 tỷ USD khi kết thúc năm 2018, tăng 16,12% so với năm 2017. Đây cũng là lý do để Thủ tướng “đặt hàng” ngành gỗ đạt kim ngạch XK đến 2 con số từ năm 2019 và phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới.
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đạt 7,2%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,72%, kim ngạch XK (trừ dầu khí và khí đốt) tăng 13,32%; GRDP ước đạt khoảng 76.710 tỷ đồng, tăng 6,43% so với năm 2017, trong đó thu từ dầu thô đạt 31.150 tỷ đồng, tăng 55,9%; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 17.635 tỷ đồng, giảm 0,44%; thu nội địa đạt 27.925, tăng 8,39%.
Nhưng ấn tượng nhất là tỉnh Đồng Nai với việc thực hiện đạt và vượt 25/28 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) do HĐND tỉnh đề ra. Trong đó, đặc biệt là chỉ tiêu XK dự ước kim ngạch năm 2018 đạt trên 18,6 tỷ USD, tăng 11,7% so cùng kỳ.
Như vậy, ước cả năm 2018, Đồng Nai sẽ duy trì mức xuất siêu 2,6 tỷ USD với sản lượng nhiều mặt hàng XK tiếp tục tăng. Nếu năm 2014 là năm đầu tiên Đồng Nai chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 625 triệu USD thì sau 5 năm, xuất siêu đã tăng hơn 4 lần.
Dự ước đến hết năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn FDI là trên 1.800 triệu USD, đạt 185% so với kế hoạch năm; trong đó cấp mới 106 dự án với tổng vốn đăng ký 980 triệu USD và 92 dự án tăng vốn 870 triệu USD. Điều này cho thấy niềm tin của DN vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được nâng lên.
Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ý thức được sự tác động của tăng trưởng kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến kinh tế cả nước nên các tỉnh trong vùng đã chủ trương phát triển mạnh thương mại, logistics và các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, cần ít đất đai và lao động, hướng đến sản xuất bền vững.
Lãnh đạo tỉnh BR-VT đã xác định trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh 5 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Đây là 5 mũi nhọn giúp BR-VT bớt lệ thuộc vào dầu khí và dòng vốn FDI.
Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực thương mại và dịch vụ từ nhiều năm trước và đến 2018 đã có kết quả khá tích cực với 11 siêu thị, 3 trung tâm thương mại lớn và 106 chợ được đầu tư, nâng cấp giúp nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 191.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, trong năm 2019, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp nhưng chú trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, không ảnh hưởng tới môi trường, ít thâm dụng đất đai (như điện, điện tử, công nghệ ô tô…).
Sau 2 sự kiện lớn được tổ chức trong năm 2018 là kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội đô thị khoa học thế giới WTA và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Horasis, Bình Dương đã thu hút được nhiều DN lớn trên thế giới quan tâm, tìm hiểu về điều kiện kinh doanh và một số DN lớn về công nghệ đã ký kết biên bản ghi nhớ như Tập đoàn Nitol Niloy, Bangladesh; tập đoàn Intelizest, Singapore cùng ký kết với Tổng Công ty Becamex phát triển KCN, đô thị, giáo dục, công nghiệp điện tử, xe điện, trí tuệ nhân tạo.
Với Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp tục được tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do và với nguồn cung nguyên liệu trong nước được đảm bảo thì giá trị xuất siêu sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ thuận với xuất khẩu trong những năm tới.