Đông Nam bộ: Cảnh báo nguy cơ cây đổ đè người đi đường

Liên tục trong những ngày qua, trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ xuất hiện các cơn dông gió lớn kèm theo mưa nặng hạt, kéo theo tình trạng ngập sâu cục bộ, cây xanh ngã đổ ở nhiều nơi.

Nhiều người dân sinh sống trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM không khỏi lo lắng mỗi khi phải di chuyển trên đường trong thời tiết dông gió.

Đường ngập, cây đổ

Trận mưa vào chiều tối 26-8 khiến một số khu vực thuộc TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương ngập sâu, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của người dân.

Theo UBND TP Bến Cát, cơn mưa gây ngập một số đoạn đường trên địa bàn phường Mỹ Phước với độ sâu từ 0,4-0,6m, một số vị trí nước tràn vào nhà dân, phòng học, nhà xưởng, gây hư hỏng thiết bị điện, các phương tiện lưu thông chết máy la liệt trên nhiều tuyến đường nội bộ.

Tiếp đến, chiều 4-9, cơn mưa lớn kèm gió giật mạnh đã làm tốc mái nhiều nhà dân, gãy đổ hàng chục cây xanh, hư hỏng công trình và gây ngập úng cục bộ tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Cơ quan chức năng ghi nhận có 13 cây xanh lớn bị bật gốc, ngã đổ, gây ảnh hưởng đến giao thông và đường dây điện, đè hỏng ô tô của người dân đậu bên đường...

i5b.jpg
Lực lượng chức năng dọn dẹp hiện trường cây đổ ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tình trạng đường ngập cũng diễn ra như cơm bữa vào mùa mưa, khiến người dân nơm nớp lo lắng, nhất là khu vực trung tâm TP Biên Hòa, như đường phía trước Bệnh viện Nhi Đồng Nai, quốc lộ 1 (đoạn qua các phường Tân Hiệp, Long Bình) và quốc lộ 1K (phường Hóa An)...

Đoạn giáp ranh TP Biên Hòa và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cũng thường xuyên ngập sâu, nhiều vị trí nước chảy mạnh tiềm ẩn rủi ro lớn cho người đi đường.

Chủ động phòng tránh

Theo các chuyên gia, đặc điểm phổ biến của các cơn mưa lớn ở Đông Nam bộ là đột ngột và kèm gió giật, rất nguy hiểm cho người dân khi di chuyển trên đường hoặc làm việc ở các vị trí trên cao tại các công trình xây dựng...

Điển hình như ngày 4-9 vừa qua, vào lúc khoảng 15 giờ, một người phụ nữ chạy xe máy từ nhà ở phường 10 (quận 6, TPHCM) đến đón con ở Trường Đại học Sư phạm TPHCM gặp lúc mưa dông đã bị nhánh cây trên đường An Dương Vương (phường 3, quận 5, TPHCM) rơi trúng, dẫn đến tử vong.

Chứng kiến trận mưa dông ngày 26-8 vừa qua, chị Nguyễn Thị Tr. (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chưa hết hoảng sợ: “Khi tôi tan ca và đang trên đường về nhà thì bất ngờ mây đen kéo đến kèm gió giật. Nhiều cây xanh bật gốc, đè lên cả ô tô đậu bên đường. Sợ nguy hiểm nếu tiếp tục di chuyển, tôi phải dừng xe xin trú mưa ở mái hiên một nhà dân’’.

Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, trước thời tiết mưa lớn, dông lốc những ngày qua, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chủ động cắt tỉa cành cây, sẵn sàng nhân lực, vật lực cho các nơi có nhiều nguy cơ ngập úng, đồng thời lên phương án phòng chống thiên tai cho các công trình đang thi công.

Đặc biệt, chỉ đạo lực lượng chức năng đảm bảo trực phân luồng giao thông ở các điểm ngập, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản nhân dân.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương cũng đã yêu cầu các đơn vị, UBND các huyện, thành phố và người dân theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo về mưa lớn, dông lốc; thông tin kịp thời, chính xác để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người và tài sản; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó...

TPHCM: Đảm bảo an toàn cây xanh ứng phó với mưa, bão

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM, cho biết, công ty đã triển khai đến các đơn vị trực thuộc tập trung lực lượng nhân công, phương tiện tăng cường ứng trực xử lý sự cố cây xanh.

Công ty thực hiện tuần tra, kiểm tra sau mưa dông hệ thống cây xanh đường phố và trong các công viên, khu vực thường xuyên tập trung đông người, khu vui chơi, đường đi dạo…, để đề xuất chủ đầu tư xử lý kịp thời các cây xanh gãy cành nhánh, nghiêng.

Từ đầu năm đến nay, công ty đã thực hiện đốn hạ 1.932 cây, cắt thấp 57 cây, đồng thời thu gọn các nhánh cây vươn dài trên đường phố và trong công viên.

Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cũng cho biết, đơn vị đã ban hành kế hoạch phòng tránh, ứng phó và khắc phục sự cố lĩnh vực cây xanh trong mùa mưa, bão năm 2024.

Cụ thể, đơn vị yêu cầu các bên có liên quan thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra hệ thống cây xanh trên đường phố, trong công viên; rà soát, chống sửa cây nghiêng, cong; cắt mé gọn tán, nhánh vươn dài; đốn hạ và thay thế cây chết khô; bố trí các vị trí ứng trực và chủ động điều phối nhân lực để tham gia công tác ứng phó, khắc phục sự cố.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục