Khó khăn chồng chất
Học trực tuyến, theo quan niệm ngày nay, không phải là giải pháp lâu dài cho hàng chục triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hàng chục triệu trẻ em không thể tiếp cận học tập kỹ thuật số tại nhà do hạ tầng không đáp ứng. Trẻ em nghỉ học càng lâu thì khả năng quay trở lại càng ít.
Theo Bộ Giáo dục Philippines, năm học mới của nước này sẽ bắt đầu vào ngày 13-9 nhưng các lớp học vẫn sẽ theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 4 ước tính, việc đóng cửa trường học có thể khiến học sinh Philippines mất 26,9 - 36,1 tỷ USD thu nhập tiềm năng suốt đời mà họ có thể có được.
Với Myanmar, tình hình khai giảng năm học mới càng khó khăn hơn vì ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình an ninh nước này còn đang phức tạp từ sau cuộc đảo chính tháng 2-2021. Do tình trạng thường xuyên bị mất kết nối Internet, cơ hội học trực tuyến cũng khó nên hầu hết sinh viên, học sinh đều ngừng chương trình học. Chính phủ quân sự của Thượng tướng Min Aung Hlaing đã cố gắng đưa năm học 2021 trở lại đúng tiến độ và mở cửa trở lại một số cơ sở giáo dục vào tháng 5 nhưng sau đó các ca mắc Covid-19 tăng nhanh nên kế hoạch này đã phải dừng lại. Hiện các nhà tài trợ, viện trợ quốc tế và các tổ chức giáo dục đang cố gắng mở lại một số trường học.
Giải pháp thiết thực
Khi số ca mắc Covid-19 tăng nhanh chưa từng có, Indonesia đã biến khuôn viên các trường thành nơi cách ly các ca mắc Covid-19. Mặc dù vậy, ngày 18-8, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia Nadiem Makarim cho biết, ưu tiên hàng đầu hiện nay của chính phủ nước này là đưa học sinh quay lại học trực tiếp tại trường sau gần 1 năm rưỡi phải học trực tuyến do dịch Covid-19. Bộ trưởng Nadiem cho rằng, nỗ lực trên nhằm giảm thiểu tình trạng giáo dục tụt hậu do học tập từ xa, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đưa trẻ em quay trở lại trường học một cách an toàn nhất với đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Theo ông Nadiem, ngoài việc ưu tiên đưa học sinh quay trở lại trường, cơ quan chức năng còn triển khai một số nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng tụt hậu giáo dục.
Tại Thái Lan, hầu hết việc giảng dạy đã chuyển sang trực tuyến từ đầu năm 2020. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong tháng 7 đã đồng ý giảm 30% học phí cho sinh viên đại học (khoảng 50.000 - 100.000 baht, tương đương 34 - 68 triệu VNĐ). Trước đó, hầu hết các trường đại học thực hiện giảm học phí 10% cùng với các biện pháp khác như giảm 50% phí ký túc xá, cung cấp gói Internet cho việc học trực tuyến. Tuy nhiên, giới sinh viên cho rằng điều đó là không đủ vì họ không thể làm thêm, kiếm tiền phụ học phí trong thời gian phong tỏa.
Tương tự, tại Malaysia, chính phủ nước này đã đồng ý giảm học phí. Theo đó, với học kỳ đầu tiên của niên khóa 2020-2021, các trường đại học công lập đã giảm tổng cộng 70,2 triệu RM học phí (tương đương 388 tỷ VNĐ). Trong khi đó, đối với học kỳ thứ hai của khóa học 2020-2021, mức giảm là 40,5 triệu RM. Theo chính phủ nước này, các trường đại học chỉ có khả năng mở cửa trở lại cho đến khi số ca mắc Covid-19 hàng ngày giảm xuống dưới 4.000 ca (hiện là trên 22.000 ca) với hơn 10% dân số được tiêm chủng và hệ thống y tế không ở trong tình trạng nguy cấp.