Đông Nam Á trước thách thức rác thải lậu

Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy các quốc gia trên khắp Đông Nam Á trở thành điểm đến của các hoạt động buôn bán chất thải bất hợp pháp. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các nước trong khu vực và hoàn thiện pháp lý ngăn chặn tội phạm buôn lậu rác thải.

Điểm nóng rác thải lậu

Theo báo cáo mang tên Turning the Tide (tạm dịch: vòng xoáy thủy triều), do Văn phòng Phòng chống ma túy và tội phạm LHQ (UNODC) xuất bản, Đông Nam Á là điểm nóng về chất thải bất hợp pháp được vận chuyển từ khắp nơi trên thế giới.

E8a.jpg
Rác thải nhập lậu bị phát hiện tại Philippines. Ảnh: GREENPEACE

Báo cáo cho thấy mặc dù đã tăng cường các biện pháp quản lý, việc buôn bán rác thải vẫn tiếp tục là gánh nặng lớn cho khu vực. Nhựa là một trong những loại rác thải phổ biến nhất được vận chuyển trên toàn cầu từ năm 2017 đến 2022. Trong thời gian này, nhựa thải ra lên tới gần 43 triệu tấn, khối lượng trị giá hơn 21 tỷ USD.

Theo UNODC, ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu với những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, sức khỏe, xã hội và kinh tế, tác động đến sinh kế, hệ thống sản xuất lương thực cũng như phúc lợi của hàng triệu người và sinh vật. Các chất từ nhựa làm ô nhiễm hệ sinh thái đất, nước ngọt và đại dương. Trong khi hạt vi nhựa, đặc trưng là những mảnh nhựa có chiều dài dưới 5mm, xâm nhập vào chuỗi thức ăn và bầu không khí chúng ta hít thở.

Vẫn theo báo cáo trên, quy mô khổng lồ của hoạt động buôn bán rác thải toàn cầu đồng nghĩa với việc mang về hàng tỷ USD. Điểm nổi bật mà báo cáo phát hiện ra là lĩnh vực chất thải rất dễ nảy sinh tham nhũng, thường là giới tội phạm lợi dụng cơ hội để hối lộ quan chức cấp giấy phép, làm giả tài liệu, bỏ qua các vi phạm và cản trở việc kiểm tra. Do tính chất xuyên quốc gia của ngành, việc truy tìm nguồn gốc chất thải nhập khẩu bất hợp pháp và thực thi các biện pháp trừng phạt đối với việc vận chuyển bất hợp pháp được coi là những thách thức không nhỏ.

Tăng cường quản lý

Theo ông Masood Karimipour, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC, quản lý chất thải đã trở thành mối quan tâm ngày càng cấp bách, trong đó các yếu tố như: hoạt động sản xuất, thói quen tiêu dùng, tội phạm rác thải, buôn bán rác thải, tham nhũng, tội phạm có tổ chức, rửa tiền và nền kinh tế tuần hoàn có mối liên hệ với nhau.

Khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu rác thải nhựa để tái chế vào đầu năm 2018, một số quốc gia ở Đông Nam Á cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã trở thành nơi lấp đầy khoảng trống. Để khắc phục, Thái Lan đã ra lệnh cấm nhập rác thải nhựa từ nước ngoài năm 2021 và Việt Nam sẽ áp dụng lệnh tương tự vào năm 2025. Malaysia, quốc gia chiếm tỷ lệ rác thải nhựa lớn nhất sau lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc, đã mở chiến dịch dẹp các nhà máy đốt nhựa không có giấy phép.

Tháng 5-2019, 180 quốc gia đã sửa đổi Công ước Basel về quản lý buôn bán rác thải toàn cầu, buộc các công ty phải xin phép các quốc gia điểm nhận trước khi xuất sang đó rác thải nhựa không thể tái chế. ASEAN cũng đã đưa ra Kế hoạch hành động khu vực về chống rác thải, trong đó có rác thải lậu, mở đường cho các chiến lược chung nhằm đối phó với ô nhiễm nhựa những năm tới.

Được EU tài trợ và UNODC giúp đỡ, Viện Đào tạo và Nghiên cứu của LHQ và Chương trình môi trường LHQ (UNEP) đã thực hiện dự án Unwaste từ năm 2022 nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác khu vực và đối thoại chính sách để hiểu rõ hơn về dòng chất thải bất hợp pháp giữa châu Âu và Đông Nam Á. Ngoài ra, thông qua Chương trình kiểm soát hành khách và hàng hóa (PCCP) cũng từ năm 2022, UNODC đang xây dựng năng lực cho các cơ quan hải quan và thực thi pháp luật ở Đông Nam Á để nhắm vào hoạt động buôn lậu nhựa và chất thải nguy hại trong container.

Đến nay, hơn 84.000 tấn nhựa và chất thải nguy hại khác đã được thu giữ hoặc xác định trong quá trình thực hiện PCCP. Trong số này, khoảng 50.000 tấn chất thải nguy hại được chôn lấp đã được xác định trong các container bỏ hoang. UNODC cũng đã phát triển bộ hướng dẫn về chống buôn bán chất thải để hỗ trợ các quốc gia ban hành hoặc tăng cường luật pháp trong nước nhằm chống lại hành vi này. Dự kiến, UNODC sẽ sớm ban hành hướng dẫn lập pháp về chống tội phạm ô nhiễm cũng như Chiến lược toàn cầu về chất thải.

Tin cùng chuyên mục