Đông Nam Á tiến gần hơn mục tiêu gắn kết kinh tế

Theo hãng tin CNBC, các quốc gia ASEAN đang hợp tác phát triển một hệ thống thanh toán xuyên biên giới với hy vọng giúp tăng cường tính toàn diện tài chính trong khu vực cũng như tiến gần hơn với mục tiêu gắn kết kinh tế.
Thanh toán bằng mã QR tại Malaysia
Thanh toán bằng mã QR tại Malaysia

Sáng tạo và mới lạ

Động thái này diễn ra sau khi 5 quốc gia Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines ký một thỏa thuận chính thức vào cuối năm 2022. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 5 vừa qua, các nhà lãnh đạo cũng đã nhắc lại cam kết đối với dự án, qua đó đặt nền tảng cho lộ trình mở rộng liên kết thanh toán khu vực tới tất cả 10 thành viên ASEAN, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính toàn diện trên khắp Đông Nam Á.

Các nhà phân tích cho rằng, các ngành bán lẻ sẽ đặc biệt được hưởng lợi từ động thái trên trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến tăng lên. Việc triển khai hệ thống thanh toán xuyên biên giới cũng được coi là bước đi quan trọng để giảm sự phụ thuộc của Đông Nam Á vào các loại tiền tệ bên ngoài như USD cho các giao dịch xuyên biên giới, nhất là giữa các doanh nghiệp. Sức mạnh của đồng bạc xanh trong những năm gần đây đã dẫn đến việc các đồng tiền của ASEAN yếu đi, gây tổn hại cho các nền kinh tế vì phần lớn các thành viên của khối là những nhà nhập khẩu thực phẩm và năng lượng ròng.

Ông Satoru Yamadera, cố vấn tại Phòng Tác động phát triển và nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á, đánh giá nỗ lực của các ngân hàng trung ương ASEAN là sáng tạo và mới lạ.

Lợi ích kinh tế

Từ tháng 6 năm nay, các ngân hàng trung ương của Malaysia và Indonesia đã triển khai thanh toán thương mại giữa 2 quốc gia. Bằng cách kết nối các hệ thống thanh toán bằng mã QR, tiền có thể được gửi từ ví kỹ thuật số của Malaysia sang ví kỹ thuật số của Indonesia. Những ví kỹ thuật số này hoạt động hiệu quả như tài khoản ngân hàng nhưng chúng cũng có thể được liên kết với tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức. Phí và tỷ giá hối đoái sẽ được xác định theo thỏa thuận chung giữa các ngân hàng trung ương.

Mô hình thanh toán QR này không thu phí của chủ thẻ và người bán hàng, có tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn so với tỷ lệ được thiết lập bởi các bộ xử lý thanh toán tư nhân như Visa hoặc American Express.

Theo các chuyên gia kinh tế, những doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng lợi nhờ kết nối thanh toán khu vực ASEAN.

Ngoài ra, các giao dịch không dùng tiền mặt gia tăng sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách nắm bắt dữ liệu giao dịch và luồng giao dịch hiệu quả hơn. Điều này có thể dẫn đến dự báo kinh tế và hoạch định chính sách tốt hơn.

Tuy nhiên, tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản cảnh báo vẫn còn những thách thức đối với ASEAN trong việc mở rộng kết nối thanh toán khu vực. Giới quan sát vẫn đang chờ đợi các buổi thảo luận tiếp theo của cấp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN vào tháng 8 này.

Các chuyên gia cho rằng, ASEAN có thể tham khảo dự án Nexus - vốn được Ngân hàng Thanh toán quốc tế khởi xướng vào tháng 3 năm nay để kết nối Hệ thống châu Âu của Liên minh châu Âu (EU) với các hệ thống thanh toán của Singapore và Malaysia. Phạm vi của Nexus được kỳ vọng sẽ mở rộng đến Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Tin cùng chuyên mục