Với dân số gần 700 triệu người và đang phát triển với tốc độ cao, khu vực này hứa hẹn mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các nhà đầu tư.
Công ty Tesla của tỷ phú Elon Musk tìm cách tận dụng nguồn dự trữ pin ở Indonesia để xây dựng nhà máy chế tạo xe điện nơi đây. Theo Bloomberg, Tesla có kế hoạch sản xuất tới 1 triệu ô tô mỗi năm ở Indonesia, phù hợp với tham vọng của Tesla là tất cả các nhà máy của hãng trên toàn cầu cuối cùng sẽ đạt được công suất đó. Các cuộc thảo luận mới đây giữa Tesla và Chính phủ Indonesia bao gồm nhiều kế hoạch để ngành công nghiệp phụ trợ tại Indonesia phục vụ các chức năng khác nhau, bao gồm sản xuất và chuỗi cung ứng cho Tesla. Indonesia từ lâu đã mong muốn thu hút đầu tư từ Tesla. Tổng thống Joko Widodo đã đến thăm trụ sở của ông Elon Musk vào tháng 5-2022 và đạt được thỏa thuận cung cấp niken trị giá 5 tỷ USD với nhà sản xuất ô tô vào tháng 8. Tổng thống Widodo cho biết, ông muốn Tesla sản xuất ô tô điện ở Indonesia chứ không chỉ sản xuất pin. Nếu Tesla có nhà máy sản xuất tại Indonesia, đây sẽ là nhà máy thứ ba của Tesla bên ngoài thị trường Mỹ, ngoài Thượng Hải (Trung Quốc) và Berlin (Đức). Trong cuộc họp cổ đông thường niên của Tesla mới đây, Musk cho biết ông hy vọng công ty sẽ xây dựng 10 đến 12 nhà máy trên toàn cầu.
Ngoài Tesla, các đối tác của hãng Apple là Foxconn và Pegatron đã lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào Đông Nam Á trong năm 2023, một dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất phụ kiện điện tử lớn trên toàn cầu sẽ tiếp tục bổ sung năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro địa chính trị và kinh tế.
Theo ông Young Liu, quan chức hàng đầu của Foxconn, công ty sẽ tiếp tục phát triển quy mô ở Trung Quốc đại lục, châu Mỹ và Đông Nam Á, nhất là trong năm 2023. Pegatron, đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn của Foxconn sẽ đầu tư 300 triệu đến 350 triệu USD trong năm nay để tăng công suất ở Đông Nam Á. Ngoài việc sản xuất iPhone ở Trung Quốc, cả Foxconn và Pegatron hiện đang sản xuất một số thiết bị cầm tay mang tính biểu tượng của Apple ở Ấn Độ. Apple cũng đang chuyển các cơ sở sản xuất sản phẩm ngoài iPhone sang Việt Nam. Pegatron nâng công suất tại Việt Nam và Indonesia, nơi họ đã có các nhà máy.
Các nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn bắt đầu tập trung đầu tư sản xuất bên ngoài Trung Quốc trong thời kỳ ông Donald Trump còn là Tổng thống Mỹ; khi đó Mỹ áp đặt thuế quan cứng đối với một số hàng nhập khẩu của Trung Quốc như một phần của cuộc chiến thương mại với nước này. Một số nhà cung cấp thiết bị điện tử cũng đã đẩy nhanh các nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung do đợt phong tỏa kéo dài vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Riêng về lĩnh vực chất bán dẫn (chip), Malaysia được xem là một trong những nơi thu hút đầu tư nhiều nhất ở Đông Nam Á.
Giá trị sản xuất đồ điện tử tại nước này đã tăng 32% trong năm 2022 so với năm 2021 sau khi tranh thủ cơ hội từ khoảng trống trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia tăng vọt lên khoảng 209 tỷ ringgit (46,6 tỷ USD) - mức cao nhất trong khoảng 15 năm, trong đó riêng hàng điện tử chiếm 81,5%. Các nhà sản xuất chip toàn cầu đã có những bước tiến lớn tại nước này, với việc Intel đầu tư 7 tỷ USD vào một nhà máy đóng gói ở Penang, còn Infineon Technologies xây dựng nhà máy chế tạo ở Kulim trị giá khoảng 2 tỷ USD.