Áp lực an sinh xã hội
Tuy lợi tức nhân khẩu học (ý nói sự tăng trưởng của một nền kinh tế là kết quả từ sự thay đổi cơ cấu tuổi dân số của một quốc gia) đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực, nhưng mạng lưới an sinh xã hội vẫn chưa phát triển đầy đủ ở nhiều quốc gia trong ASEAN. Mặc dù nhiều nước có độ tuổi nghỉ hưu sớm nhưng chỉ 25% tổng dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) được tiếp cận lương hưu.
Hiện nhiều quốc gia đã phải chịu áp lực củng cố mạng lưới an sinh xã hội để đảm bảo phúc lợi cho người già. Năm 2019, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong khu vực đã đạt 7%, là ngưỡng được xem là “xã hội già hóa”. Tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 14% vào năm 2043 và đưa khu vực vào nhóm “dân số già”. Tại Nhật Bản, quá trình chuyển đổi giữa hai giai đoạn này diễn ra trong khoảng thời gian 24 năm, từ 1970 đến 1994. Trong khi tình trạng già hóa xã hội dường như là không thể tránh khỏi thì nhiều quốc gia Đông Nam Á lại chưa có sự chuẩn bị tốt về vấn đề này. Theo Nikkei Asia, những khoản chi tiêu cho an sinh xã hội chưa đến 10% GDP ở các nền kinh tế Đông Nam Á.
Thách thức suy giảm tăng trưởng
Tốc độ già hóa giữa các quốc gia ASEAN không đồng đều. Công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 1/5 dân số Singapore, tăng 11,7% so với một thập kỷ trước. Độ tuổi trung bình ở Singapore đã tăng lên 41,5 tuổi, ngang bằng với Nhật Bản và các nước lớn ở châu Âu, trong khi ở Philippines vẫn ở mức thấp là 29,3 tuổi. Ở Thái Lan, có 16% dân số từ 65 tuổi trở lên.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3% trong 5 năm tới, tốc độ chậm hơn nhiều so với mức 5%-6% trong nửa đầu những năm 2000.
Trong khi đó, ngày 19-2, Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESCD) Thái Lan dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2024 ở mức 2,2%-3,2%, giảm so với mức 2,7%-3,7% đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái.
Theo tờ The Economist, chẳng bao lâu nữa, Thái Lan, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và hầu hết các nước phương Tây, sẽ chứng kiến nguồn cung lao động suy giảm và nếu không có các biện pháp đặc biệt, năng suất và tăng trưởng sẽ giảm sút. Tuy nhiên, không giống như Nhật Bản và phần còn lại, Thái Lan, với GDP bình quân đầu người 7.000 USD vào năm 2021, không phải là quốc gia phát triển. Khi Nhật Bản có tỷ lệ người già tương tự, nước này giàu hơn Thái Lan ngày nay khoảng 5 lần.
Tình trạng thiếu lao động ở khu vực Đông Nam Á mang tính chất cơ cấu và có thể kéo dài. Theo ước tính của Liên hợp quốc, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở 11 quốc gia trong khu vực đã đạt đỉnh 68% vào năm 2023, chấm dứt giai đoạn lợi tức dân số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, giới chuyên gia cho rằng, khu vực này đang phải đối mặt với thách thức trong việc đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.