* PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết một số kết quả về tình hình phát triển loại hình trường, lớp ngoài công lập trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
* Ông VÕ NGỌC THẠCH: Hiện toàn tỉnh có tổng số 190 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập. Mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động ổn định, đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân. Cơ sở vật chất, đội ngũ của các trường ngoài công lập đã được đầu tư bài bản, đúng quy định. So với cả nước, Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Hệ thống trường ngoài công lập phát triển, giúp địa phương phát huy tiềm năng trong xã hội về vật chất, trí tuệ, khoa học kỹ thuật, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển và tiến bộ giáo dục của địa phương.
* So với hệ thống giáo dục công lập, chất lượng giáo dục ngoài công lập trên địa bàn có những điểm nổi trội gì?
* Các trường ngoài công lập ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục của tỉnh, góp phần giảm tải cho các trường công lập, nhiều trường đã xây dựng được thương hiệu chất lượng cao, được nhân dân tin tưởng. Các trường ngoài công lập đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, chuyển đổi số trong giáo dục, phát triển văn hóa đọc, tăng cường dạy học tiếng Anh… đã thu hút nhiều học sinh theo học. Với cách xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, chất lượng dạy và học của các trường ngoài công lập ngày càng được nâng cao, thu hút được nhiều học sinh, tạo được uy tín và dần khẳng định thương hiệu, vị thế trong bức tranh giáo dục chung của tỉnh nhà.
Một số kết quả nổi bật như: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cao, hầu hết các trường THPT ngoài công lập có tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Cụ thể, năm học 2023-2024, có 25/26 trường THPT ngoài công lập đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%; điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp năm học 2023-2024 các trường ngoài công lập là các trường có điểm số cao nhất ở các môn như: Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Địa lý, Sinh học, Hóa học, Vật lý. Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh có 17/18 trường ngoài công lập có học sinh dự thi, với tổng số 308 học sinh đoạt giải gồm 12 giải nhất, 56 giải nhì, 101 giải ba và 139 giải khuyến khích. Trong năm 2024, tại Việt Nam, có 18 trường học điển hình Microsoft và hơn 1.200 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã được công nhận là Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft. Trong đó, tỉnh Đồng Nai có 146 Chuyên gia giáo dục sáng tạo (120 giáo viên của trường ngoài công lập) và 6 trường học điển hình (trong đó có 5 trường ngoài công lập).
* Ông có nhận xét gì về chất lượng đào tạo môn ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh trong hệ thống các trường ngoài công lập?
* Trong những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã xác định việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay, ở nhiều trường ngoài công lập, chất lượng dạy - học ngoại ngữ đạt kết quả cao nhờ việc thực hiện xã hội hóa dễ dàng hơn so với trường công lập nên có sự đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Thời lượng môn tiếng Anh ngoài việc thực hiện 3 tiết/tuần theo quy định thì các trường ngoài công lập đều thực hiện dạy tăng tiết (4-9 tiết/ tuần). Do đó, học sinh được ôn luyện và nâng cao kiến thức, thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhiều hơn; đặc biệt một số trường còn hợp đồng với giáo viên nước ngoài giảng dạy nên kỹ năng nghe, nói của các em thường vượt trội.
Từ năm 2015 đến nay, một số trường ngoài công lập đã xin phép các cơ quan quản lý để phối hợp với các trường quốc tế giao lưu các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện viên, tham gia thi giao lưu giữa các đơn vị nói tiếng Anh… giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp. Ngoài ra, một số trường còn thực hiện việc dạy các môn khoa học và môn tự nhiên bằng tiếng Anh, cũng đã góp phần giúp học sinh nâng cao năng lực ngoại ngữ và từng bước thực hiện việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ 2 trong trường học. Trong 6 trường có điểm trung bình môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT cao nhất tỉnh, đã có 3 trường ngoài công lập.
* Định hướng quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập thời gian tới ở Đồng Nai là gì, thưa ông?
* Tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ phát triển xã hội hóa nói chung và xã hội hóa giáo dục nói riêng như: văn bản số 424-KL/TU ngày 31-3-2023 của Tỉnh ủy về việc Kết luận của tập thể Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về chủ trương xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao; Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 15-12-2023 của HĐND tỉnh về thống nhất mức tiền miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 881/QĐ-UBND ngày 4-4-2024 về việc phê duyệt danh mục các dự án đầu tư để mời gọi nhà đầu tư quan tâm thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…
Đồng thời, Sở GD-ĐT đã chủ động tham mưu đề xuất trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực GD-ĐT nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đầu tư phát triển trường, lớp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở cấp học mầm non ngoài công lập.