Đồng Nai tạo đà tăng trưởng từ đầu năm

Ngày 5-2-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP đặt mục tiêu tăng trưởng cho 18/63 tỉnh, thành phố trong năm 2025, trong đó mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Đồng Nai là 10%. Ngay đầu năm, Đồng Nai đã có những tín hiệu tốt về thu hút đầu tư. Đặc biệt, việc đưa vào khai thác cảng lớn nhất tỉnh tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch hứa hẹn đưa kinh tế địa phương và cả vùng có sự bứt phá trong năm 2025.

Bốc dỡ hàng từ tàu tải trọng lớn cập cảng Phước An ngày 13-2-2025
Bốc dỡ hàng từ tàu tải trọng lớn cập cảng Phước An ngày 13-2-2025

Thu hút FDI khởi sắc

Ngày 14-2-2025, tỉnh Đồng Nai tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn. Theo đó, trong hơn 40 ngày đầu của năm 2025, tỉnh đã thu hút được 14 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký trên 738 triệu USD (đạt trên 80% kế hoạch năm 2025) và gần 1,4 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (đạt 70% kế hoạch năm). Trong đó, dự án Mapletree Logistics Park Tam An 1 (cụm công nghiệp Tam An, huyện Long Thành) có tổng vốn đầu tư trên 101 triệu USD của Công ty TNHH Quản lý, tư vấn Mapletree Việt Nam (Tập đoàn Mapletree, Singapore). Công ty Mapletree đã đầu tư vào Việt Nam gần 20 năm, chuyên hoạt động trong lĩnh vực logistics và hiện đã đầu tư tại các tỉnh Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang. Theo lãnh đạo Công ty Mapletree Việt Nam, công ty quyết định đầu tư vào Đồng Nai vì tỉnh có vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thuận lợi và được chính quyền hỗ trợ nhiệt tình nên dự án sớm hoàn thành, đi vào hoạt động. Và việc tập đoàn này đầu tư vào Đồng Nai là hướng đến bổ sung, hoàn thiện việc cung cấp chuỗi cung ứng logistics ở Đồng Nai trong những năm tới, đồng thời hoàn thiện hệ thống sản xuất, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai khi dự án sân bay quốc tế Long Thành đi vào khai thác từ cuối năm 2026.

Năm 2025, tỉnh Đồng Nai đề ra chỉ tiêu thu hút 1,1 tỷ USD vốn đầu tư FDI, trong đó thu hút khoảng 800 triệu USD vào các KCN. Như vậy, nếu không có những tác động lớn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ môi trường đầu tư, năm nay, tỉnh Đồng Nai sẽ vượt xa chỉ tiêu thu hút đầu tư đề ra.

Hiện nay, tuyến đường 319 - cảng Phước An dài 5,8km, có đấu nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng do liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Xây dựng hạ tầng Hải An phối hợp đầu tư theo hình thức BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần giúp việc vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng Nai và cả vùng Đông Nam bộ thuận tiện hơn.

Cảng Phước An đón tàu hàng trọng tải lớn

Đồng Nai vừa đón chào chuyến tàu hàng trọng tải lớn đầu tiên của hãng MSC - hãng tàu lớn nhất thế giới, cập cảng Phước An (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) vận chuyển hơn 1.300 TEUs hàng thuộc lĩnh vực thời trang, may mặc. Chuyến tàu mang tên M/V MSC BEIRA IV khởi hành từ Singapore, mở ra một cơ hội mới trong khai thác các luồng tuyến trên hệ thống cảng biển vùng Đông Nam bộ.

Cảng Phước An nằm trên hệ thống sông Thị Vải chảy xuôi về Bà Rịa-Vũng Tàu hướng ra biển Đông, được xây dựng trên diện tích 800ha, tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng do Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An làm chủ đầu tư. Dự kiến, trong giai đoạn đầu, cảng sẽ đưa vào khai thác cầu cảng số 5 và 6 với chiều dài 670m, có năng lực khai thác đạt 2,2 triệu TEUs (1 TEU tương đương container 20 feet) với 4 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Cảng đáp ứng tàu tải trọng lớn từ 30.000-60.000 DWT ra vào…

Việc cảng Phước An với công suất lớn nhất trên địa bàn Đồng Nai đã chính thức đi vào hoạt động mở ra cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ cho Đồng Nai, TPHCM, mà cho cả các tỉnh lân cận. Đặc biệt, doanh nghiệp ở các KCN tại huyện Nhơn Trạch sẽ giảm được chi phí xuất nhập khẩu, trong đó có chi phí logistics. Ông Trương Hoàng Hải, Tổng Giám đốc cảng Phước An, cho rằng, hiện chi phí logistics của ngành vận tải hàng hóa ở Việt Nam rất cao nên hy vọng việc đưa cảng Phước An vào hoạt động sẽ giúp tiết giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Đồng Nai và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Một khi đi vào hoạt động, cảng Phước An sẽ phải đưa ra các chính sách hấp dẫn để thu hút các hãng tàu lớn trên thế giới chọn cảng là nơi bốc dỡ hàng hóa thay vì chọn các cảng lân cận như Tân Cảng - Cát Lái, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Gemalink. Và một khi các cảng trong khu vực Đông Nam bộ cùng cạnh tranh với nhau thì khách hàng là các hãng tàu biển sẽ được lợi khi chi phí giảm, điều kiện dịch vụ hậu mãi tốt hơn.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết của Chính phủ, tỉnh đã đề ra 9 giải pháp trọng tâm cần tập trung giải quyết, trong đó cần triển khai hiệu quả nhiều giải pháp thu hút đầu tư và xử lý các dự án chậm triển khai (ban hành quy trình quy định các bước, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư những dự án ngoài ngân sách nhà nước để công khai, minh bạch, thu hút đầu tư); hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Đồng thời tháo gỡ 135 dự án còn tồn tại; thí điểm thực hiện các dự án thỏa thuận chuyển nhượng đất với người dân; xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có cơ chế đặc thù, đảm bảo đồng bộ quy hoạch để xử lý dứt điểm dự án tồn tại.

Tin cùng chuyên mục