So với năm 2019, tăng 8 vụ TNLĐ, tăng 17 người chết, tăng 14 người bị thương và số lao động nữ tử vong do TNLĐ tăng 2 người. Đặc biệt, chỉ trong vòng 1 tuần cuối năm 2020 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ TNLĐ dẫn đến chết người có liên quan đến việc thi công các công trình lắp đặt điện mặt trời áp mái.
Cụ thể, lúc 17 giờ 50 ngày 9-12-2020, tại Công ty cổ phần sản xuất-đầu tư Hoàng Gia Khang, KCN Nhơn Trạch II, xã Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, anh Vi Văn Tuân (ngụ xã Ea Uy, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) cùng một số công nhân khác tiến hành thi công lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái của nhà xưởng. Trong quá trình làm việc, do sơ ý bước vào vị trí được lợp bằng tôn nhựa dẫn đến tấm tôn nhựa bể làm anh Tuân rơi xuống nền nhà từ độ cao 15m và tử vong. Tiếp đó, ngày 16-12-2020, cũng tại công ty này, anh Hồ Đình Thăng (quê xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) khi đang cùng 24 người khác lắp máng cáp trên mái nhà kho thành phẩm cũng bị rơi xuống nền nhà xưởng từ độ cao 12m, tử vong tại chỗ.
Ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Nai, cho biết, những năm qua, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái để bổ sung nguồn điện vào hệ thống điện lưới quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tại Đồng Nai, để triển khai thực hiện các dự án, các chủ đầu tư đã ký hợp đồng thuê mái nhà xưởng của các doanh nghiệp để xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái. Trong quá trình tổ chức thi công, các đơn vị không tuân thủ hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động làm việc trên cao như không trang bị dây đeo an toàn, không có lưới bảo vệ. Nhiều trường hợp người lao động bị té ngã tử vong hoặc bị thương nặng xuất phát từ đây.
Căn cứ vào tình hình, nguyên nhân xảy ra TNLĐ thời gian qua, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, năm 2021, Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ mất an toàn lao động trên địa bàn, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện, cơ khí và làm việc trong không gian hạn chế. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và các doanh nghiệp không thống kê, báo cáo định kỳ về tình hình TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.