Đồng Nai: Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp nhờ chương trình OCOP

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sau 4 năm triển khai đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, khơi dậy phong trào khởi nghiệp cho nhiều hợp tác xã, nông dân trong tỉnh. Và không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, trong nước mà đã có sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, châu Âu, mở ra triển vọng nâng cao giá trị và qua đó phát huy tiềm năng của ngành nông nghiệp địa phương.

Điển hình là mô hình trồng quýt “siêu ngọt” đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm ở huyện Vĩnh Cửu. Một trong những chủ vườn đã thành công với mô hình trồng quýt đường này là anh Hà Thắng (sinh năm 1982, ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu).

Clip: Đi lên nhờ sản phẩm OCOP

Điển hình như khu vườn quýt rộng 3ha hơn 10 năm tuổi của gia đình anh Hà Thắng được trồng theo hướng hữu cơ trên đất phù sa, ven lòng hồ Trị An, quanh năm không lo nước tưới đã trở thành 1 trong những mô hình trồng quýt đường tiêu biểu của xã.

Anh Thắng cho biết, chủ yếu dùng men IMO để ủ cá mua từ lòng hồ Trị An làm phân bón, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học nên cây cho trái nhiều và ít sâu bệnh. Vườn quýt của gia đình đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2012, với sản lượng trung bình mỗi năm đạt 50-60 tấn, thu về 800- 900 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập trung bình 7- 10 triệu đồng/tháng.

img-1702204034198-1702204093842-5173.jpg
Anh Hà Thắng với mô hình trồng quýt cho năng suất cao

Hay như mô hình trồng cây sachi gặt hái được thành công bước đầu của anh Trần Văn Khoa (sinh năm 1980, ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom). Cây sachi thuộc dạng thân leo, thân bán gỗ và có thể mọc vươn cao tới 2m, có nguồn gốc từ Nam Mỹ thường mọc nhiều tại vùng rừng rậm Amazon.Vào năm 2018, anh Khoa đã nghiên cứu và quyết định trồng thử nghiệm 5ha sachi ở xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) và trước khả năng thích nghi tốt của giống cây này, anh Khoa cùng 10 hộ dân thành lập Tổ hợp tác Sachi Thanh Bình để mở rộng diện tích.

img-1702204034805-1702204094555-4376.jpg
Anh Khoa đang thành công với mô hình sản xuất các sản phẩm từ Sachi

Đến thời điểm hiện tại, Tổ hợp tác đã mở rộng và có thêm khoảng 20ha sachi ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), mỗi ha thu về từ 80 – 100 triệu đồng/năm. Hạt sachi có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho phát triển trí não, sáng mắt và khả năng điều trị bệnh tim mạch nên được khách hàng ưa chuộng, mua về sử dụng. Sản phẩm dầu sachi và trà sachi được chứng nhận đạt thương hiệu OCOP 3 sao năm 2022.

Cùng tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, trong nhiều năm nay có mô hình trồng chuối xuất khẩu cả trái lẫn thân cây và lá chuối của ông Lý Minh Hùng. Ông Hùng cho biết, trước đây, gia đình ông gắn bó với cây hồ tiêu nhưng giá tiêu sau đó giảm mạnh, đời sống gặp khó khăn nên cây chuối là sự lựa chọn hàng đầu của người dân địa phương và gia đình ông cũng không nằm ngoài xu hướng này.

img-1702204035444-1702204095155-7792.jpg
Mô hình chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình đang giúp các hộ dân có thu nhập cao

Dù chuyển sang trồng chuối giúp thu nhập cao hơn và ổn định nhưng thời điểm này, chủ yếu chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên cây chuối khiến người trồng nhiều phen lao đao vì rớt giá. Chính vì vậy, năm 2018, ông Hùng cùng một số bà con đã tham gia Tổ hợp tác sản xuất cây chuối xã Thanh Bình và sau đó đến năm 2019 đã tiến đến thành lập HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình và hiện HTX đang có 120 ha diện tích chuối canh tác.

Do hiện HTX của ông Hùng đã chuyển từ việc bón phân hóa học sang bón bằng phân hữu cơ và có nhật ký trồng chuối rõ ràng giúp nâng cao chất lượng trái, nhờ đó HTX của ông Hùng đã xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Trung Đông, Qatar,... thậm chí là châu Âu, năng suất bình quân dao động 45 – 52 tấn/ha, với giá chuối bình quân là khoảng 12.000 đồng/kg.

Ngoài ra, ông Hùng cùng các thành viên HTX đã nghiên cứu xuất khẩu thân cây chuối sang thị trường Nhật, Hàn Quốc để cung cấp cho thị trường dệt may, còn lá chuối dùng để làm phân bón. Những sản phẩm phụ và thường chỉ là phế phẩm này giúp cho HTX của ông Hùng kiếm thêm khoảng 20 triệu đồng/ha, từ đó mở ra cơ hội phát triển chuối bền vững cho bà con nông dân.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 11-2023, toàn tỉnh đã có thêm 47 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 43 sản phẩm 3 sao và 4 sản phẩm đề nghị Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá 4 sao. Tính đến nay, đã có 196 sản phẩm của 107 chủ thể được đánh giá đạt chuẩn OCOP, trong đó có 53 sản phẩm đạt 4 sao trên toàn tỉnh Đồng Nai. Trong số những sản phẩm đạt chuẩn OCOP này đã có nhiều những mô hình tạo được điểm nhấn cho ngành nông nghiệp Đồng Nai, đồng thời góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho bà con địa phương.

Tin cùng chuyên mục