Sau 2 ngày làm việc, chiều 10-12, tại TP Biên Hoà, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Đồng Nai, khoá X, nhiệm kỳ 2021- 2026 đã bế mạc.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh có 127 ý kiến, chất vấn liên quan trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, trong đó, tập trung phân tích, ”mổ xẻ” 4 vấn đề đang được cử tri tỉnh Đồng Nai quan tâm.
Quang cảnh kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Đồng Nai, khoá X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 Một là, trong năm 2022, Đồng Nai đấu giá 15 khu đất, với diện tích 157,6 ha, tổng giá trị ước tính khoảng 2.842 tỷ đồng, nhưng mới phê duyệt phương án đấu giá 9 khu đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với 1 khu đất, 5 khu đất chưa xong giải phóng mặt bằng.
Nguyên nhân do nhu cầu về thị trường bất động sản trong năm 2022 không cao, thông báo đấu giá nhiều lần không có người đăng ký tham gia, các quy định của Luật đầu tư chưa đồng bộ, thời gian lập thủ tục kéo dài, các khu đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng nên phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 trước khi đấu giá và việc bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng gặp khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Tỉnh cần hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó phải đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành đảm bảo thuận lợi khi triển khai, hướng dẫn lập quy hoạch chi tiết 1/500 thời gian ngắn nhất, ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ cây cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai để đẩy nhanh tiến độ thanh lý cây cao su, sớm bàn giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất.
Hai là, tình trạng sụt giảm đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu sản xuất, từ tháng 6 đến tháng 10- 2022, Đồng Nai có 22.600 lao động mất việc làm và nguy cơ doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm lao động nên tình hình việc làm ngày càng khó khăn.
Về giải pháp lâu dài, tỉnh cần đẩy nhanh hơn nữa tiên độ triển khai công trình, dự án trọng điểm nhằm giải ngân nguồn vốn đầu tư kích thích tăng trưởng; đồng thời hoàn chỉnh hạ tầng thu hút các nhà đầu tư, giải quyết việc làm người lao động; Ban Quản lý các KCN khẩn trương hoàn thành hồ sơ xây dựng KCN trên địa bàn để có quỹ đất thu hút các nhà đầu tư đến với Đồng Nai.
Nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai nỗ lực giữ chân người lao động dịp cuối năm Ba là, tổng nguồn vốn đầu công năm 2022, sau điều chỉnh là 13.650 tỷ đồng, nhưng giải ngân còn chậm và đến 30-11-2022 chỉ đạt 7.950 tỷ đồng (đạt 58,24% kế hoạch). Nguyên nhân do chủ đầu tư chưa chủ động lập hồ sơ dự án, năng lực yếu, các địa phương chậm triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng giá các gói thầu.
Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, Đồng Nai cần phân công lãnh đạo lĩnh vực đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, coi đây là căn cứ quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm.
Việc giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành còn chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Nai Bốn là, dự báo trong năm 2023, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng, nhất là các loại tội trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tín dụng đen nên lực lượng chức năng cần thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình, nhất là hoạt động của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối để có phương án xử lý kịp thời.
Tỉnh cần duy trì và triển khai thực hiện có hiệu quả các Tổ công tác 161 về tuần tra vũ trang, kết hợp tuần tra nghiệp vụ khép kín địa bàn, phòng chống tội phạm, nhất là các loại “tội phạm đường phố”... để giữ vững an ninh – trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.
HOÀNG BẮC