Nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Đồng Nai có nhiều điểm đến hấp dẫn và thu hút khách du lịch trong, ngoài tỉnh như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; dòng sông Đồng Nai thơ mộng, hiền hòa, là một trong những dòng sông đẹp và dài nhất vùng Nam bộ; hồ Trị An là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất nước được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia; núi Chứa Chan cao thứ 2 tại Nam bộ sau núi Bà Đen (Tây Ninh).
Đồng Nai còn có Chiến khu Đ với các Căn cứ Trung ương cục miền Nam, Căn cứ Khu ủy miền Đông và Địa đạo Suối Linh là di tích ghi dấu những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đồng Nai cũng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, địa danh lịch sử nổi tiếng và đến nay đã có 68 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia, trên 1.000 di tích được kiểm kê phổ thông khác.
Trong năm 2023, đàn đá Bình Đa được Thủ tướng quyết định công nhận bảo vật quốc gia; trước đây đã có 2 bảo vật quốc gia là tượng thần Vishnu Bình Hòa và bộ sưu tập qua đồng Long Giao. Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ VH- TT- DL đã đưa lễ hội Chùa Ông vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Đó là những tài nguyên du lịch quý giá để thu hút khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan và du lịch. Ngoài ra, Đồng Nai có công trình trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai như các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương và sân bay quốc tế Long Thành. Khi các dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kết nối giao thông, phát triển các tuyến du lịch liên vùng với các tỉnh Tây Nguyên.
Kết nối tour du lịch liên vùng
Trong tháng 11- 2023, Sở VH-TT- DL tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị ký kết hợp tác phát triển du lịch với 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, nhằm liên kết để phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, hỗ trợ phát huy lợi thế, khai thác nguồn lực một cách hợp lý, giải quyết các nhu cầu thực tiễn của mỗi địa phương và tạo động lực phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Sở VH- TT- DL tỉnh Lâm Đồng, chiến lược liên kết, hợp tác phát triển ngành du lịch với Đồng Nai và các tỉnh lân cận nhằm thúc đẩy hơn nữa việc khai thác tiềm năng, lợi thế để doanh nghiệp liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút các nhà đầu tư, kết nối tour du lịch, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Và khi tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương hoàn thành, việc liên kết du lịch giữa Đồng Nai với Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên sẽ ngày càng hiệu quả, du khách hưởng thụ du lịch theo mô hình ‘‘một chuyến đi nhiều điểm đến”.
Bà Lê Thị Ngọc Loan, Giám đốc Sở VH-TT- DL tỉnh Đồng Nai, cho biết, tỉnh đang hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành địa phương trọng điểm du lịch của vùng Đông Nam bộ và một trong những giải pháp đó là liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước. Tỉnh coi khu vực Tây Nguyên là thị trường tiềm năng, có ý nghĩa quan trọng cho giai đoạn phát triển du lịch trong thời gian tới.
Thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá xúc tiến du lịch, xây dựng các tour tuyến, liên kết điểm đến, góp phần phát triển du lịch giữa các địa phương.
Số liệu của Sở VH-TT- DL tỉnh Đồng Nai cho thấy, trong năm 2023, khách du lịch đến tham quan và lưu trú tại tỉnh đạt 2.756.000 lượt (trong đó có 100.700 lượt khách quốc tế), tăng 24,4% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 40,8% so với cùng kỳ. Đồng Nai cũng tổ chức cho doanh nghiệp các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông khảo sát tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Ông, làng bưởi Tân Triều, Khu du lịch Bửu Long, Công viên nước Sơn Tiên... để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.