Theo đó, thời gian điều chỉnh giá rút ngắn còn 3-5 ngày (kể cả ngày nghỉ, lễ); bổ sung các quy định về duy trì, vận hành Quỹ Bình ổn giá đảm bảo tính công khai minh bạch; quy định tỷ lệ chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ theo tỷ lệ 5%-7% trên giá bán nhằm ổn định hệ thống bán lẻ xăng dầu.
Tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị cho phép thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều nguồn nhằm chủ động nguồn cung, không để diễn ra tình trạng đóng cửa, treo biển hết xăng như thời gian qua. Đồng thời, cần bổ sung quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các đầu mối cung ứng xăng dầu; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trong năm 2022, do đứt gãy nguồn cung và bất cập về tỷ lệ chiết khấu khiến các đơn vị kinh doanh xăng dầu đối mặt nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng tại Công ty CP Xăng dầu Tín Nghĩa, do là đơn vị có vốn nhà nước phải duy trì các cửa hàng bán lẻ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân với lượng xăng dầu bán lẻ đạt 240 triệu lít (tăng 40 triệu lít so với trước dịch Covid-19) đã khiến doanh nghiệp thua lỗ hàng chục tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Tín Nghĩa, chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, vào thời điểm khó khăn nhất đơn vị đã tìm nguồn hàng về bán cầm chừng cho người dân với giá bán lẻ bằng giá mua vào. Do đó, cần tăng tỷ lệ chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ nhằm giúp doanh nghiệp trụ vững trong điều kiện lạm phát tăng, lãi suất ngân hàng tăng theo.