Đi dọc nhiều tuyến đường ở huyện Xuân Lộc giữa trời nắng nóng những ngày giữa tháng 4, chúng tôi thấy nhiều diện tích đất nông nghiệp khô cằn, không người canh tác. Chỉ riêng tại 3 xã Xuân Bắc, Xuân Thọ, Suối Cao có khoảng 3.600ha đất nông nghiệp chỉ sản xuất trong mùa mưa, mùa khô bỏ trống. Trong đó, xã Xuân Thọ có 1.584ha cây trồng (chủ yếu trồng lúa) nhưng người dân rất lo thiếu nước tưới.
Gia đình bà Võ Thị Nghĩa (ngụ xã Xuân Thọ) có 1ha trồng xen canh cây tiêu và sầu riêng đang cho thu hoạch, nhưng hiện mực nước các ao xuống thấp, mưa ít khiến bà lo lắng thiếu nước tưới. Còn gia đình bà Đỗ Thị Yến có 4.000m2 đất trồng điều, cỏ làm thức ăn cho bò, dê phải khoan 2 giếng và mua ống nhựa để kéo nước tưới mỗi ngày…
Ông Nguyễn Thành Tân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, cho biết, địa phương chưa có trạm bơm, công trình thủy lợi nên cứ vào mùa khô là xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng, bà con phải dùng nước giếng đào, giếng khoan để tưới nhưng chi phí cao (15-17 triệu đồng/giếng). Nếu như các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã và các vùng lân cận chậm triển khai sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, thiệt hại kinh tế cho người dân.
Trong khi đó, một số dự án cấp nước, công trình thủy lợi hiện vẫn “án binh bất động”. Năm 2014, Bộ NN-PTNT chủ trương xây dựng công trình trạm bơm La Ngà để đưa nguồn nước về phục vụ tưới tiêu cho 3.500ha đất sản xuất tại xã Suối Cao, Xuân Thọ và Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) với kinh phí thực hiện hơn 900 tỷ đồng. Nhưng hiện dự án vẫn nằm trên giấy vì chưa được Bộ NN-PTNT phê duyệt do vốn đầu tư lớn, không được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, hiện tỉnh chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách và phải cân nhắc, tính toán, chia nhỏ thực hiện theo hướng khu vực nào dễ làm trước, sau đó mở rộng quy mô dự án. UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao trách nhiệm cho UBND huyện Xuân Lộc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ và hình thành chuỗi liên kết để phát huy hiệu quả kinh tế của dự án, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư cho các công trình cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tương tự, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung liên xã nằm ven sông La Ngà (huyện Định Quán, có mức đầu tư 65 tỷ đồng) để khắc phục tình trạng thiếu nước trầm trọng cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vào mùa khô ở các xã Phú Ngọc, La Ngà, Ngọc Định cũng đang… dang dở.
Anh Tuấn (người dân xã Phú Ngọc) bức xúc: “Theo kế hoạch, vào tháng 10-2022 dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, nhưng chờ hoài chẳng thấy. Sống bên dòng sông La Ngà nhưng các hộ dân vẫn “khát” nước sinh hoạt, thiếu nước tưới cho cây trồng”. Lý giải về sự chậm trễ của dự án, lãnh đạo UBND huyện Định Quán cho hay, hiện tuyến ống cấp nước, phần xây dựng thuộc trạm bơm nước thô, trạm bơm nước sạch cơ bản đã hoàn thành, nhưng còn sân đường nội bộ, các hạng mục phụ trợ, đường ống ngầm trong nhà máy chưa thể kết nối hoàn thiện vì chưa có thiết bị và chưa lựa chọn được nhà thầu thực hiện.
Do thời gian thực hiện dự án đã hết nên ngày 31-1-2023, UBND huyện Định Quán có Tờ trình số 01 điều chỉnh thời gian đến năm 2023 và khi được cấp thẩm quyền chấp thuận, ban quản lý dự án sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị, hoàn thiện các hạng mục dang dở vào cuối quý 2-2023.