Nghề gốm Biên Hòa ra đời từ hơn 300 năm trước, gắn liền với quá trình xây dựng vùng đất phương Nam. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, gốm Biên Hòa vẫn giữ được hồn cốt riêng. Những sản phẩm gốm mỹ thuật trang trí độc đáo, phong phú và đa dạng, sử dụng men nhẹ lửa, màu men thanh thoát, trong đó nét đặc trưng nhất và niềm tự hào của gốm Biên Hòa là “men xanh đồng trổ bông”.

Gốm Biên Hòa còn nổi tiếng bởi các sản phẩm gốm đất nung không phủ men mang vẻ đẹp tự nhiên, rất được thị trường ưa chuộng. Năm 1903, Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (nay là Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) được thành lập, nghề gốm Biên Hòa có bước ngoặt mới quan trọng trong quá trình phát triển, ghi dấu ấn bởi yếu tố mỹ thuật với tên gọi nổi tiếng “Gốm mỹ nghệ Biên Hòa”.
Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống của gốm bản địa và kỹ thuật gốm phương Tây giúp gốm mỹ nghệ Biên Hòa khẳng định ưu thế độc lập và xu hướng riêng.

Ngành gốm mỹ nghệ còn đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của tỉnh mặc dù còn khiêm tốn.


Festival gốm có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, hứa hẹn mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị như: tổ chức trưng bày, triển lãm sản phẩm ngành gốm; toạ đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm truyền thống trong thời kỳ hội nhập”; tổ chức không gian trải nghiệm, điểm đến gốm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai; cuộc thi “Thiết kế logo Festival, nhận diện thương hiệu Festival Gốm truyền thống Biên Hoà – Đồng Nai”; nhiếp ảnh “Ý tưởng thiết kế và trang trí các sản phẩm gốm truyền thống”; chấm điểm các gian hàng trưng bày tại triển lãm; tổ chức gian hàng thương mại quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Đồng Nai.



Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Dương Minh Dũng cho biết, Festival Gốm Đồng Nai không chỉ là dịp để tôn vinh giá trị truyền thống, tri ân các thế hệ nghệ nhân, mà còn là cầu nối để gốm Biên Hòa tiến xa hơn trên bản đồ gốm nghệ thuật thế giới, gắn kết giữa sáng tạo nghệ thuật, đổi mới công nghệ và phát triển du lịch - kinh tế địa phương.